Qua thực tế công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự chúng tôi nhận thấy nội dung quy định tại Điều 189 BLTTDS và việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án còn chưa sát với thực tế dẫn đến việc Tòa án căn cứ Điều 189 không đúng nhưng Viện kiểm sát nhận thấy kháng nghị sẽ không đạt hiệu quả và thiếu tính thuyết phục.
Chúng tôi muốn cùng trao đổi để làm sáng tỏ tạo thuận lợi cho công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự.
Ví dụ: Quyết định tạm đình chỉ số 01/2012/QĐST-DS ngày 19/4/2012 của Tòa án quận TK đã
Căn cứ vào Điều 189 và Điều 210 của Bộ luật tố tụng dân sự;
Xét thấy: Ngày 13/4/2012 nguyên đơn là bà Kh có đơn xin tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, lý do đang điều trị bệnh tại bệnh viện có xác nhận của bệnh viện Đa khoa tp Quảng Ngãi; Ngày 17/4/2012 Tòa án đã xác minh bệnh viện Đa khoa Tp Quảng Ngãi, xác định bà Kh đang điều trị tại khoa nội tổng hợp bệnh viện Đa khoa Tp Quảng Ngãi (bệnh rối loạn tuần hoàn não, thiếu máu cơ tim) là có thật và tại phiên tòa luật sư L bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Kh cũng đề nghị HĐXX cho tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ cho bà Kh điều trị bệnh. Do vậy, HĐXX quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự để bà Kh điều trị bệnh theo quy định tại điểm x khoản 2, Điều 58 và khoản 6 Điều 189 của Bộ luật tố tụng dân sự
HĐXX quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự để bà Kh điều trị bệnh theo quy định tại điểm x khoản 2, Điều 58 và khoản 6 Điều 189 của Bộ luật tố tụng dân sự là không chính xác bởi vì:
Điểm x, khoản 2, Điều 58 BLTTDS quy định:
“Đề nghị Toà án tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định của Bộ luật này;”
Quy định trên không có nghĩa đương sự có đơn đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án là căn cứ để Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án mà Tòa án phải thực hiện việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án “theo quy định của Bộ luật này” tức là phải đúng các căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án được quy định tại Điều 189 BLTTDS.
Khoản 6, Điều 189 BLTTDS quy định “Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”.
Tại Mục II Nghị quyết 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 hướng dẫn: Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật là các trường hợp làm căn cứ cho Toà án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự mà trong BLTTDS này chưa quy định nhưng đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác hoặc sau khi BLTTDS có hiệu lực thi hành mới được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau đó hoặctrong các điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Cho đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào được ban hành trước và sau khi BLTTDS có hiệu lực thi hành hoặccác điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định đương sự ốm đau, đang điều trị bệnh là căn cứ để Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án.
Như vậy Quyết định tạm đình chỉ số 01/2012/QĐST-DS ngày 19/4/2012tạm đình chỉ giải quyết vụ án đã vi phạm quy định tại Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự.
Căn cứ vi phạm trên Viện kiểm sát có quyền kháng nghị đối với Quyết định tạm đình chỉ
Tuy nhiên xét về mặt thực tế việc bà Kh bị ốm đau, điều trị bệnh là có thực và bà Kh không ủy quyền cho ai tham gia phiên tòa được vì vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, bà Kh (nguyên đơn) không rút đơn khởi kiện. Tòa án không tạm đình chỉ giải vụ án thì Tòa án phải hoãn phiên tòa nhiều lần (khoảng mỗi tháng một lần theo quy định tại Điều 208 BLTTDS), dẫn đến việc Tòa án biết trước đương sự không có mặt tại phiên tòa nhưng vẫn phải đưa vụ án ra xét xử nhiều lần tốn nhiều thời gian và công sức, tiền của mà vẫn không giải quyết được vụ án.
Bên cạnh đó khoản 2, Điều 199 quy định:
2. Toà án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên toà, nếu vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng thì xử lý như sau:
a) Nguyên đơn, người đại diện theo pháp luật vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên toà thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn; …
Quy định như trên thì khi Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai đương sự có sự kiện bất khả kháng thì Tòa án hoãn phiên tòa nhưng không quy định nếu Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ ba, tư…và đương sự có sự kiện bất khả kháng thì Tòa án giải quyết như thế nào, nếu là hoãn phiên tòa thì vụ án được hoãn bao nhiêu lần khi đương sự có sự kiện bất khả kháng, không ủy quyền cho người đại diện tham gia phiên tòa, không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt và nguyên đơn không rút đơn.
Đây là khó khăn vướng mắc trong việc kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự.
Vì vậy cần xem xét bổ sung Điều 189 BLTTDS nội dung đương sự bị ốm đau, bệnh tật đang điều trị bệnh không thể tham gia phiên tòa có xác nhận của cơ sở điều trị và đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn không tham gia phiên tòa được là lý do để Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án hoặc bổ sung Điều 199 BLTTDS quy định cụ thể việc mỗi đương sự khi có sự kiện bất khả kháng thì vụ án được hoãn bao nhiêu lần và khi không còn được hoãn thì Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án nếu không có các lý do đình chỉ khác.
Trên đây là ý kiến của tôi về căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trao đổi để đồng nghiệp góp ý làm sáng tỏ vấn đề trên tạo thuận lợi cho công tác kiểm sát giải quyết các vụ , việc dân sự.