Từ năm 1960, ngành Kiểm sát nhân dân (VKS) được thành lập và cơ cấu theo 3 cấp thuộc đơn vị hành chính nhà nước các cấp: VKSNDTC, VKSND cấp tỉnh và VKSND cấp huyện để thực hiện chức năng “Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp”.
Trên cơ sở đó, Kiểm sát viên (KSV) thực hành chức năng truy tố người có tội ra trước Tòa án để xét xử các hành vi phạm tội của bị cáo và có nhiệm vụ kiểm sát việc xét xử của Hội đồng xét xử, những người tham gia tố tụng. Do đó, có nơi tại phiên tòa ghi vị trí ngồi của KSV thực hành quyền công tố là “Kiểm sát viên công tố”, có nơi ghi “Công tố viên”. Đối với các vụ việc tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và các vụ án hành chính (gọi chung là các vụ việc dân sự, hành chính), khi KSV tham gia các phiên họp, phiên tòa để giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính nhằm thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân thủ pháp luật đối với Hội đồng xét xử, kiểm sát việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng, cho nên vị trí ngồi của KSV có bảng tên ghi “đại diện Viện kiểm sát”, không thể ghi chức danh pháp lý là “Công tố viên” tham gia phiên tòa, phiên họp. Nếu phát hiện vi phạm pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử thì kiến nghị, kháng nghị kịp thời giúp cho việc giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính của Tòa án đúng pháp luật, bảo vệ tài sản của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự bị xâm hại. Bởi chức năng, nhiệm vụ đặc thù “Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp” của VKSND như vậy, nên không thể thay tên gọi “KSV” của người có chức năng pháp lý trong ngành Kiểm sát thành tên gọi “Công tố viên” để tham gia giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính.
Có nên thay đổi tên gọi không?
Từ khi thành lập ngành Kiểm sát nhân dân, các cấp đã phối hợp với các ngành Công an nhân dân, TAND thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của ngành, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Do đó, việc thay đổi tên gọi “Viện kiểm sát nhân dân” thành “Viện công tố”, nhưng không nêu rõ tính chất đặc thù và tầm quan trọng; chức năng, nhiệm vụ của “Viện công tố” có được mở rộng hoặc thu hẹp hay không?
Nếu xét về ngữ nghĩa của tên gọi thì việc chuyển đổi tên gọi “Viện kiểm sát nhân dân” thành “Viện công tố” là không cần thiết và suy cho cùng làm giảm chức năng, nhiệm vụ về hoạt động của VKSND như hiện nay. Bởi, KSV là người có chức năng pháp lý của Viện kiểm sát nhân dân, mỗi khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp thì họ thực thi nhiệm vụ cả về kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, các vụ việc dân sự, hành chính như đã phân tích ở trên. Đối với “Công tố viên” là người có chức năng pháp lý của Viện công tố, khi thực hiện chức năng pháp lý của mình, họ chỉ thực hiện giới hạn chức năng pháp lý trong phạm vi “Công tố viên” đối với việc truy tố các bị can ra trước Tòa án để xét xử về hành vi phạm tội của bị cáo. Nếu VKSND chuyển đổi theo mô hình Viện công tố, thì Công tố viên không thể thực hiện cả nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính.
Ngoài ra, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, do đó các ngành, các cấp, các địa phương đều hoạt động dưới sự giám sát của nhân dân, cho nên không nhất thiết phải đặt tên “Viện kiểm sát nhân dân”, “Tòa án nhân dân” như hiện nay. Thực tế, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân gọi đúng tên của ngành là “Viện kiểm sát nhân dân” và “Tòa án nhân dân”. Trong khi đó, các Bộ luật Tố tụng hình sự; Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng dân sự; Bộ luật Dân sự và Luật Tố tụng hành chính hầu như chỉ viết là “Viện kiểm sát”; “Tòa án”. Như vậy, vô hình trung đã viết sai tên của một ngành.
Nên chăng, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân bỏ bớt cụm từ “nhân dân”, để tên gọi của “Viện kiểm sát” và “Tòa án” ngắn gọn và phù hợp với thực tế khách quan, nhưng không mất chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi ngành.
Thái Nguyên Toàn ( Báo đại biểu nhân dân ngày 12/7/2012)