menu_WAR_vienkiemsatportlet_INSTANCE_hKWBd2nFDgz3
TRAO ĐỔI - Cần hiểu tinh thần nội dung quy định tại Khoản 7, Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án như thế nào?
Đăng ngày 21-05-2012 16:44

Hiện nay tình hình tranh chấp dân sự liên quan đến tài sản chung xảy ra rất nhiều nhất là đối với các tỉnh thành có các vụ việc ly hôn không yêu cầu giải quyết về tài sản chung, sau khi ly hôn các đương sự khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu chia tài sản chung sau ly hôn. Trong việc chia tài sản chung các đương sự yêu cầu Tòa án giải quyết việc trả nợ chung, nợ riêng đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Vướng mắc hiện nay là việc thu án phí như thế nào trong vụ án chia tài sản chung có giải quyết phần nợ chung, nợ riêng đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Khoản 7, Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án quy định:

“7. Mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản, phần di sản mà họ được hưởng, được chia trong trường hợp các bên đương sự không tự xác định được phần tài sản của mình trong khối tài sản chung, phần di sản mà mình được hưởng trong khối di sản thừa kế và có một trong các bên yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung, di sản thừa kế đó.”

Qua công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, chúng tôi thấy hiện nay cách hiểu quy định trên còn có nhiều quan điểm khác nhau giữa các Viện kiểm sát và giữa VKS với Tòa án dẫn đến việc áp dụng Pháp lệnh không thống nhất. Để trao đổi và thống nhất cách hiểu quy định tại khoản 7, Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án, tôi xin nêu ra ba quan điểm khác nhau về việc tính án phí như sau:

Quan điểm thứ nhất: Đương sự yêu cầu chia tài sản chung. Tòa án sau khi đã trừ đi các khoản nợ chung, nợ riêng cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong khối tài sản chung yêu cầu Tòa án chia còn lại bao nhiêu thì chia cho đương sự. Số tiền sau khi đã trừ này Tòa án căn cứ để thu án phí.

Quan điểm thứ hai: Khi chia tài sản chung nếu đương sự có nợ người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án yêu cầu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nộp tiền tạm ứng án phí như với yêu cầu độc lập. Tòa án thu án phí chia tài sản chung sau khi đã trừ đi tiền nợ người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và buộc đương sự chịu án phí đối với nợ chung, nợ riêng nếu Tòa án chấp nhận yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu không chấp nhận yêu cầu thì người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phải chịu án phí đối với yêu cầu của mình.

Quan điểm thứ ba: Đương sự yêu cầu chia tài sản chung phải chịu án phí trên toàn bộ số tài sản chung được chia, không trừ đi các khoản nợ chung, nợ riêng đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Phần trả nợ cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không phải chịu án phí.(trừ trường hợp có yêu cầu độc lập)

Chúng tôi nhận thấy cách hiểu của quan điểm thứ ba đúng với tinh thần của quy định tại khoản 7, Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa ánbởi vì:

- Theo cách hiểu quan điểm thứ nhất thì trong trường hợp vợ chồng chia tài sản chung mà số tiền của họ nợ người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bằng hoặc lớn hơn giá trị tài sản họ yêu cầu chia thì Tòa án không thu đươc tiền án phí, thậm chí không thu được 200.000đ vì đây là tranh chấp chia tài sản chung phải thu theo tranh chấp dân sự có giá ngạch.

Trường hợp khác đương sự sẽ tự tạo ra một khoản nợ tương đương với giá trị tài sản được chia để khi trừ nợ thì đương sự không còn phải chịu án phí.

- Theo cách hiểu của quan điểm thứ hai thì việc khởi kiện hay không là quyền của đương sự và yêu cầu độc lập là quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Tòa án không quyền yêu cầu họ làm đơn yêu cầu độc lập và thu tạm ứng án phí và án phí được vì quan hệ nợ giữa đương sự chia tài sản chung và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có tranh chấp.

- Theo cách hiểu của quan điểm thứ ba thì việc trả nợ là trách nhiệm của đương sự và họ phải dùng tài sản của mình để trả nợ, họ có thể dùng bất cứ tài sản nào khác của họ để trả nợ chứ không nhất thiết buộc họ phải trả nợ bằng tài sản được Tòa án chia. Khi họ không có tài sản nào khác để trả nợ thì Tòa án tính khấu trừ trong giá trị tài sản mà họ được hưởng, kể cả khi họ lấy tài sản được Tòa án chia để trả nợ cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì đó cũng là một phần trong tài sản họ được hưởng và họ dùng nó để thực hiện nghĩa vụ của mình. Phần tài sản để trả nợ này Tòa án không tính án phí vì đã tính án phí trên toàn bộ giá trị tài sản được chia và giá trị tài sản trả nợ này không có tranh chấp. Trường hợp phần trả nợ này Tòa án tính án phí sẽ là hai lần tính án phí trên một quan hệ tranh chấp như thế là vi phạm.

Việc trả nợ trong vụ án chia tài sản chung không có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về việc đòi nợ. Tòa án chỉ quyết định về nghĩa vụ trả nợ chứ không giải quyết dứt điểm quan hệ nợ giữa đương sự chia tài sản chung và người có nghĩa vụ liên quan vì quan hệ nợ này không có tranh chấp. Sau khi có bản án, quyết định của Tòa án thì quan hệ nợ này vẫn tiếp tục thực hiện nếu không phát sinh tranh chấp khác và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có quyền căn cứ vào bản án, quyết định này để yêu cầu Cơ quan Thi hành án thi hành mà khi có tranh chấp thì phải khởi kiện bằng một vụ án dân sự độc lập khác.

Ví dụ như các vụ án dân sự chia tài sản chung có Ngân hàng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, sau khi Tòa án tuyên về nghĩa vụ trả nợ thì hợp đồng vay tài sản vẫn tiếp tục thực hiện cho đến hạn nếu không có tranh chấp khác (chỉ thay đổi chủ thể trong hợp đồng). Khi có tranh chấp thì Ngân hàng phải khởi kiện bằng vụ án dân sự khác.

Đối với vụ án chia tài sản chung có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thực chất là hai vụ án và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng phải nộp tiền tạm ứng án phí với yêu cầu của mình. Với những vụ như thế này thì đương sự chia tài sản chung ngoài việc phải chịu án phí trong việc chia tài sản chung (trên toàn bộ tài sản yêu cầu Tòa án chia) còn phải chịu thêm án phí đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu Tòa án chấp nhận yêu cầu của họ. Những vụ như thế này thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mới có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án thi hành.

Theo quan điểm thứ ba thì sẽ không còn vướng mắc như quan điểm một và hai theo chúng tôi đó cũng là tinh thần của quy định tại khoản 7, Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa áncó hiệu lực từ ngày 01/7/2009.

Trên đây là quan điểm của chúng tôi về quy định tại khoản 7, Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa ánnêu ra để các đồng nghiệp cùng góp ý, trao đổi để thống nhất trong việc tính án phí. Mong đồng nghiệp góp ý để làm sáng tỏ vấn đề trên, tạo thuận lợi cho công tác kiểm sát giải quyết án dân sự.

    

Main is temporarily unavailable.