menu_WAR_vienkiemsatportlet_INSTANCE_hKWBd2nFDgz3
Một số khó khăn, vướng mắc về thủ tục tố tụng trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
Đăng ngày 11-07-2019 16:28
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (viết tắt là BLTTHS năm 2015) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018 theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội khóa 14; trong đó đã có những quy định cụ thể về trình tự, thủ tục và các hoạt động tố tụng của từng giai đoạn nhằm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và đáp ứng yêu cầu về tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, qua hơn 01 năm triển khai áp dụng các quy định của BLTTHS năm 2015 trong công tác thực hành quyền công tố (THQCT), kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố án hình sự trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và trên cơ sở thực tiễn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân (VKSND) Đà Nẵng trong công tác THQCT, kiểm sát điều tra, xét xử án hình sự trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; VKSND Đà Nẵng nhận thấy còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc, như sau:

1. Về áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế

- Trong một vụ án có nhiều bị can phạm vào các loại tội phạm khác nhau: có bị can phạm vào tội rất nghiêm trọng, có bị can phạm vào tội ít nghiêm trọng thì việc tính thời hạn tạm giam đối với các bị can đó được áp dụng như thế nào? Có thể tạm giam các bị can phạm tội ít nghiêm trọng theo thời hạn tạm giam của các bị can phạm tội rất nghiêm trọng trong cùng một vụ án được không? Bởi việc tính thời hạn tạm giam theo từng loại tội phạm tương ứng của từng bị can thực tiễn gây nhiều khó khăn cho Cơ quan điều tra trong quá trình điều tra vụ án.

- Đối với các vụ án có bị can bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn như bảo lĩnh, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh. Khi cơ quan tiến hành tố tụng ban hành các Quyết định gia hạn thời hạn điều tra vụ án hoặc Quyết định gia hạn thời hạn truy tố thì có phải ban hành Quyết định gia hạn đối với các biện pháp ngăn chặn trên hay không? Và mẫu Quyết định gia hạn trong trường hợp này được áp dụng như thế nào?

- Đối với các trường hợp Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra các quyết định: giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người bị truy nã, tạm giữ,… mà đơn vị đó không có nhà tạm giữ thì quy định về thời hạn là bao lâu cơ quan ra quyết định tạm giữ phải đưa người bị tạm giữ vào cơ sở tạm giữ, tạm giam?

- Trong thời gian qua, Cơ quan điều tra ra Quyết định thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm trong các vụ án ma túy, nhưng các cơ quan, tổ chức viễn thông hầu như không cung cấp vì bảo mật thông tin khách hàng. Điều này gây không ít khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thu thập chứng cứ để giải quyết vụ án.

- Trong quá trình giải quyết vụ án, có nhiều trường hợp bị hại trong các vụ án xâm phạm về nhân thân, vì các lý do khác nhau mà họ đã từ chối giám định tỷ lệ thương tích. Để có căn cứ giải quyết vụ, việc, cơ quan tiến hành tố tụng phải ra quyết định dẫn giải bị hại. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp phải những khó khăn như:

+ Việc từ chối giám định là quyền của bị hại. Trường hợp họ từ chối giám định mà vẫn dùng biện pháp bắt buộc dẫn giải họ thì có vi phạm quyền công dân không?

+ Trường hợp Viện kiểm sát ra Quyết định dẫn giải thì sẽ phải thực hiện việc dẫn giải đó như thế nào?

+ Hết thời hạn giải quyết nguồn tin, Cơ quan điều tra đã thực hiện dẫn giải bị hại đi giám định nhưng vì bị hại không có mặt ở địa phương nên không thể thực hiện việc giám định được. Như vậy trong trường hợp này, Cơ quan điều tra phải ra Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin hay Quyết định không khởi tố vụ án?

2. Về công tác giám định, định giá

- Theo quy định, việc giám định thương tích, giám định tâm thần, giám định tử thi phải có bệnh án phục vụ cho công tác giám định. Nhưng thực tế, nhiều trường hợp việc sao các bệnh án để phục vụ cho công tác này gặp nhiều khó khăn do một số bệnh viện không cho sao bệnh án để đảm bảo vấn đề bảo mật thông tin bệnh nhân.

- Trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi trộm cắp tài sản nhưng tài sản không thu hồi được. Lời khai của bị can và bị hại còn mâu thuẫn về số tài sản và giá trị của tài sản bị chiếm đoạt. Bị hại cũng không cung cấp được các hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc, xuất xứ của tài sản bị mất dẫn đến cơ quan định giá không thể thực hiện định giá tài sản thì phải căn cứ vào đâu để xác định giá trị tài sản?

- Trường hợp án đã kết thúc điều tra, chuyển sang Viện kiểm sát để truy tố mà Viện kiểm sát nhận thấy phải đưa bị can đi giám định tâm thần. Trong khi đó, việc giám định tâm thần được thực hiện ở Trung tâm pháp y tâm thần khu vực miền Trung tại Huế và thời gian giám định thường lâu (khoảng 01 tháng) thì thủ tục, cách thức thực hiện như thế nào? Và việc giám sát, quản lý đối với bị can trong trường hợp này được thực hiện như thế nào?

3. Về thủ tục đối với người bào chữa, trợ giúp pháp lý

- Theo quy định tại Khoản 6 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự thì văn bản thông báo người bào chữa có giá trị trong suốt quá trình tham gia tố tụng nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân của họ không từ chối hoặc đề nghị thay đổi. Vậy, trong trường hợp họ từ chối thì văn bản thông báo đương nhiên mất hiệu lực pháp luật hay phải có văn bản thể hiện việc mất hiệu lực của thông báo người bào chữa? Và cơ quan nào là cơ quan ra văn bản mất hiệu lực đó?

- Trường hợp phải chỉ định người bào chữa nhưng bị can từ chối và bị can bị tạm giam tại cơ sở giam giữ. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 77 BLTTHS thì điều tra viên phải cùng người bào chữa trực tiếp gặp bị can để xác nhận việc từ chối người bào chữa. Tuy nhiên, khi điều tra viên đưa người bào chữa đến gặp bị can để xác nhận việc này thì bị cơ sở giam giữ từ chối không cho người bào chữa vào vì cho rằng cơ quan điều tra chưa có thông báo chứng nhận người bào chữa tham gia tố tụng. Trong khi đó, việc ra thông báo chứng nhận người bào chữa tham gia tố tụng thì phải có căn cứ đồng ý hay không đồng ý để người bào chữa tham gia tố tụng.

4. Về lấy lời khai, thu thập chứng cứ

- Việc lấy lời khai bị hại, nhân chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là người nước ngoài gặp nhiều khó khăn khi họ đã về nước, nếu thông qua tương trợ tư pháp thì thời hạn rất lâu và có khi không có kết quả, trong khi việc giải quyết vụ án phải tuân theo quy định của pháp luật.

- Việc thu thập, sử dụng các hình ảnh, video, tài liệu, chứng cứ qua các thiết bị ghi hình, ghi âm, camera hành trình,… cũng như từ các tài khoản mạng xã hội, email trong quá trình điều tra vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Đối với những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn đã nêu ở trên, Phòng 3 đã tham mưu cho Lãnh đạo VKSND thành phố Đà Nẵng báo cáo VKSND tối cao để chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai xây dựng sổ tay Kiểm sát viên nhằm thống nhất áp dụng pháp luật trong toàn ngành./.