Công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin tội phạm là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; là hoạt động mở đầu của quá trình giải quyết vụ án hình sự nhằm phát hiện hành vi phạm tội. Trên cơ sở đó, cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, xác minh và xác định có dấu hiệu tội phạm hay không để quyết định việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Do vậy, công tác phối hợp trong giải quyết nguồn tin tội phạm có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Phương thức và kết quả phối hợp trong giải quyết tin báo của Phòng 2, VKSND thành phố
Bộ luật Tố tụng hình sự đã dành riêng Chương IX quy định cụ thể về công tác tiếp nhận, xử lý nguồn tin về tội phạm; trên cơ sở đó, các Cơ quan liên ngành Trung ương đã ban hành Thông tư liên tịch, các cơ quan liên ngành thành phố Đà Nẵng cũng như các quận, huyện đã sớm triển khai và ký kết Quy chế phối hợp trong công tác này, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi phạm tội, góp phần chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm.
Để công tác phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát thành phố đạt kết quả tốt nhất, Phòng 2, với vai trò là đơn vị đầu mối phụ trách theo dõi công tác phối hợp giải quyết nguồn tin về tội phạm, đã quan tâm tổ chức phối hợp theo từng cấp độ công việc, cụ thể:
Thứ nhất, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa Kiểm sát viên và Điều tra viên được phân công:
Căn cứ vào nội dung, tính chất của nguồn tin về tội phạm được tiếp nhận, lãnh đạo các đơn vị có sự phân công phù hợp với năng lực của từng Điều tra viên và Kiểm sát viên, qua đó đảm bảo sự phối hợp một cách hiệu quả nhất trong nhận thức, đánh giá và đề ra các yêu cầu kiểm tra, xác minh phù hợp. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, xác minh, giữa Điều tra viên và Kiểm sát viên sẽ có sự đánh giá các tài liệu thu thập đã đầy đủ chưa, vướng mắc như thế nào báo cáo lãnh đạo từng đơn vị để có hướng xử lý tiếp theo.
Thứ hai, phối hợp trong trao đổi nghiệp vụ hai chiều nhằm tránh xung đột về pháp lý:
Với kết quả kiểm tra, xác minh, Điều tra viên sẽ có báo cáo lãnh đạo cấp Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra để có công văn trao đổi nghiệp vụ đến Phó Viện trưởng VKSND thành phố về hướng xử lý nguồn tin. Kiểm sát viên đề xuất đến lãnh đạo cấp Phòng kiểm tra, xét duyệt trình đồng chí Phó Viện trưởng quyết định bằng một văn bản trao đổi lại cho Cơ quan điều tra. Trường hợp thống nhất quan điểm thì sẽ ban hành văn bản tố tụng như Quyết định khởi tố, không khởi tố hoặc tạm đình chỉ. Trường hợp xét thấy tài liệu, chứng cứ chưa đầy đủ thì tiếp tục thu thập, bổ sung.
Thứ ba, phối hợp trong xử lý các nguồn tin về tội phạm có quan điểm giải quyết trái chiều:
Đối với trường hợp mà cả Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra và Phó Viện trưởng Viện kiểm sát không thống nhất quan điểm giải quyết thì sẽ báo cáo đến Thủ trưởng Cơ quan điều tra (đối với Cơ quan điều tra) và báo cáo đến Viện trưởng (đối với Viện kiểm sát) để giải quyết. Đối với vụ án phức tạp, còn nhiều quan điểm khác nhau trong đánh giá chứng cứ thì mời Ban Nội chính, Viện kiểm sát và Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng tham dự để tranh thủ ý kiến.
Với cách thức phối hợp như trên, thời gian qua, công tác giải quyết nguồn tin về tội phạm giữa Cơ quan điều tra và VKSND thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ giải quyết nguồn tin tội phạm đạt chỉ tiêu đề ra, đặc biệt, không để xảy ra sự xung đột pháp lý giữa hai cơ quan, không có sự tranh chấp, kiến nghị lẫn nhau về quan điểm giải quyết đến cấp trên.
Những tồn tại trong công tác phối hợp
Qua nắm tình hình về công tác phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cấp quận, huyện, mặc dù đã ký kết Quy chế, nhưng quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn một số đơn vị có sự phối hợp chưa thực sự được tốt, như:
- Vẫn còn một số nguồn tin tội phạm, Kiểm sát viên được giao thụ lý kiểm sát còn thiếu kinh nghiệm trong đánh giá chứng cứ; lãnh đạo đơn vị chưa sâu sát, dẫn đến xung đột về quan điểm giải quyết. Cụ thể là 3 vụ chống người thi hành công vụ xảy ra tại Hòa Vang, Kiểm sát viên và lãnh đạo trực tiếp đều cho rằng hành vi đó chưa đủ cấu thành tội phạm. Sau khi nhận được báo cáo, Phòng 2 đã kịp thời xử lý và cả 3 vụ án này đều được đưa ra xét xử, đều được chọn là án trọng điểm.
- Một số nguồn tin, sau khi Cơ quan điều tra ra Quyết định không khởi tố vụ án, thì Viện kiểm sát quận, huyện mới thỉnh thị đến VKSND thành phố để cho ý kiến, cụ thể như vụ xảy ra tại Sơn Trà đối tượng dùng thành dầm chèo đánh một phát trúng vào đỉnh đầu của bị hại gây thương tích 9%, bị hại không yêu cầu khởi tố, nên Cơ quan điều tra ra Quyết định không khởi tố. Sau đó, Viện kiểm sát lại báo cáo thỉnh thị vì có quan điểm cho rằng hành vi đó cấu thành tội “Giết người”.
Cách thức làm việc như vậy có khả năng dẫn đến việc phải hủy bỏ các Quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, ảnh hưởng đến công tác phối hợp nói chung và phối hợp trong giải quyết nguồn tin về tội phạm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
- Có trường hợp, một số nguồn tin tội phạm, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát chưa thực hiện hết quy định trong việc kiểm tra, xác minh mà đã ra Quyết định giải quyết dẫn đến bị khiếu nại lên cấp thành phố.
- Một số vụ việc phức tạp, có thể tạo “điểm nóng” nhưng Lãnh đạo VKS chưa thực sự quan tâm, có mặt kịp thời để tập trung phối hợp với Cơ quan điều tra chỉ đạo giải quyết, như vụ Nguyễn Tuấn giết người xảy ra tại Ngũ Hành Sơn; vụ Lê Đức Dũng giết người xảy ra tại Sơn Trà, quá trình khám nghiệm không có lãnh đạo Viện tham gia, trong khi đó lãnh đạo chính quyền địa phương như Chủ tịch, Bí thư đều đến để nắm tình hình.
Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp
Nhằm thực hiện tốt hơn công tác phối hợp trong giải quyết nguồn tin về tội phạm, chúng tôi đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong chỉ đạo, kịp thời phân công KSV phù hợp với tính chất phức tạp của từng nguồn tin để đảm bảo việc giải quyết đạt kết quả.
Thứ hai, trước khi ban hành các văn bản tố tụng cần thiết phải có sự trao đổi nghiệp vụ hai chiều bằng văn bản, nhằm tránh sự xung đột về pháp lý giữa các cơ quan tố tụng.
Thứ ba, Lãnh đạo đơn vị cần xác định chính xác những nguồn tin phức tạp, dư luận quan tâm để trực tiếp đến hiện trường, kịp thời nắm tình hình, phối hợp với Cơ quan điều tra, chủ động đưa ra định hướng để xử lý và thông tin, báo cáo cấp trên theo đúng Quy chế.
Thứ tư, kịp thời báo cáo đến cấp trên những vướng mắc, bất cập trong quá trình phối hợp giải quyết nguồn tin về tội phạm để được hướng dẫn.
Huỳnh Phương Đông - Phòng 2