1. Giới thiệu chuyên đề:
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, Người đã để lại cho dân tộc Việt Nam một di sản tinh thần to lớn, những tư tưởng vô giá, những giá trị nhân văn cao cả, trong đó đặc biệt là tư tưởng đạo đức cách mạng. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Người là tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời cho toàn đảng, toàn quân và toàn dân học tập và làm theo. Học tập và làm theo tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đã có từ lâu, có thể khẳng định rằng đã có hàng triệu người Việt Nam và người Việt Nam ở nước ngoài tự giác phấn đấu học tập và làm theo, nhân dân trên thế giới cũng ngưỡng mộ ủng hộ ngợi ca tấm gương đạo đức sáng ngời của người, đã góp phần làm cho cách mạng Việt Nam dành được nhiều thắng lợi vẽ vang và thanh thế sự nghiệp của người trở nên vĩ đại. Xuất phát từ cơ sở lý luận và ý nghĩa thực tiễn của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới; ngày 07.11.2006 Bộ chính trị, Ban chấp hành trung ương đảng khóa X ra Chỉ thị số 06/CT/TW phát động toàn đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện “cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Sau hơn 04 năm thực hiện cuộc vận động đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đón đảng.Qua tổng kết đánh giá, Bộ chính trị đã khẳng định gắn với công tác xây dựng chỉnh đón đảng nhất là trong giai đoạn hiện nay việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là rất quan trọng, bởi tư tưởng và đạo đức của người đã kết tinh từ những giá trị đạo đức cao quý nhất là nền tảng của đạo đức cách mạng Việt Nam, không những có giá trị thiết thực cho giai đoạn hiện nay mà cần phải được phát huy nâng cao nhận thức và hành động cho các thế hệ cách mạng đời sau mãi mãi học tập và làm theo. Chính vì lẽ đó mà ngày 14.5.2011 Bộ chính trị đã ra Chỉ thị số 03/CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị này, ngày 05.12.2013 Ban tuyên giáo Trung ương đã ban hành hướng dẫn số 06/HD/BTGTW việc học tập chuyên đề năm 2014 “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”
2. Nội dung chuyên đề:
Nhận thấy Chuyên đề “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm” là một trong những chuyên đề lớn, có ý nghĩa đối với mỗi cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ - kiểm sát viên ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng, phải quyết tâm phấn đấu học tập, làm theo, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những khuyết điểm yếu kém, nhất là trong giai đoạn tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ IV Ban chấp hành Trung ương khóa XI đã chỉ ra “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên…suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…”.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm là một trong những tư tưởng rất cần ở mỗi người cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ ngành kiểm sát. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh tinh thần trách nhiệm là nghĩa vụ trong thực hiện nhiệm vụ của bản thân, rộng hơn nữa là thông qua công việc của mình thì thể hiện trách nhiệm đối với Tổ quốc, với nhân dân. Người thường nhắc nhở người cán bộ có 3 trách nhiệm: trước đảng, trước dân, trước công việc. Theo Người trách nhiệm của cán bộ, đảng viên chịu sự phán xét của dư luận, đạo đức, kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước, trong đó nhận thức đúng đắn, tự giác thực hiện có vai trò quan trọng để phấn đấu thực hiện thật tốt nhiệm vụ . Đặc biệt đối với ngành kiểm sát, Bác căn dặn "Cán bộ kiểm sát phải: công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn". Xuất phát từ tính chất của công tác kiểm sát là công tác phát hiện vi phạm, tội phạm, đụng chạm đến sinh mệnh, tự do, danh dự và nhân phẩm của con người, do vậy đòi hỏi cán bộ kiểm sát phải có cái tâm trong sáng, nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách chính xác, công bằng, tôn trọng sự thật, phải tạo lập cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn đứng về lẽ phải và kiên quyết bảo vệ lẽ phải như Bác đã từng nói "Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục". Về tác phong và phương pháp làm việc, Bác yêu cầu cán bộ kiểm sát phải khách quan, thận trọng, phải xuất phát từ thực tế, dựa trên những căn cứ khoa học để phân tích kỹ lưỡng, toàn diện sự việc trước khi đưa ra các quyết định, tránh sai sót.
Bên cạnh tinh thần trách nhiệm thì chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm cũng được Người đề cao, Hồ Chí Minh chỉ rõ : Đảng ta lãnh đạo sáng suốt, đã đưa dân tộc ta tiến lên không ngừng, từ thắng lợi này đến thắng lợi khác” và những thắng lợi đó là do công sức của nhiều cán bộ, đảng viên. Người viết “ Trong lịch sử đấu tranh của đảng... nhất là trên mặt trận chiến đấu và sản xuất, rất nhiều cán bộ, đảng viên đã tỏ rõ anh hùng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau và đã làm nên những thành tích rất vẻ vang”. Người cán bộ phải có tinh thần “ lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Tuy nhiên “bên cạnh những đồng chí tốt ấy, còn có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém”, “mang nặng chủ nghĩa cá nhân”. Chủ nghĩa cá nhân là trái với đạo đức cách mạng, nói mà không làm được. Người cho rằng Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù hung ác của CNXH”. Chủ nghĩa cá nhân sinh ra các bệnh tật xấu như bệnh quan liêu, tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, kéo bè, kéo cánh, xu nịnh, là tư tưởng xa rời quần chúng, bắt quần chúng làm theo ý muốn,... làm mất đi bản chất tốt đẹp của người cán bộ, đảng viên. Bác dạy: có người hôm nay rất là tốt, thậm chí vĩ đại nhưng nếu để chủ nghĩa cá nhân vào trong người thì hôm sau có thể trở thành người không ra gì, một tổ chức cũng vậy, mạnh việc này nhưng mai kia không phát huy được mặt mạnh ấy, không cảnh giác những yếu kém, tổ chức ấy sẽ yếu, sẽ hỏng.
Đặc biệt đối với người cán bộ Ngành kiểm sát nhân dân phải cũng cần phải rèn luyện, trau dồi để nâng cao đạo đức cách mạng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì mỗi cán bộ ngành kiểm sát phải kiên định lý tưởng, đặt lợi ích của cách mạng, của đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết.
3. Các biện pháp thực hiện:
Thấm nhuần tư tưởng đạo đức cách mạng sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là tư tưởng của người về “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”.Cán bộ, kiểm sát viên ngành Kiểm sát nhân dân là đối tượng và chủ thể của chuyên đề này, chúng ta phải không ngừng học tập, rèn luyện để không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, đảm bảo có quan điểm đúng đường lối chính sách pháp luật và phải thông qua hoạt động thực tế công tác, dù bất kỳ ở cương vị công tác nào thì người cán bộ Kiểm sát phải hiểu đúng, nói đúng và làm đúng, cụ thể như sau:
- Thường xuyên quán triệt, học tập các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nghiêm túc các quy định về những vấn đề có liên quan đến nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức thực hiện tốt quy chế dân chủ trong Ngành. Đảng viên phải gương mẫu trong việc thực hiện Nghị quyết của Đảng, chấp hành đúng quy định “những điều Đảng viên không được làm” và những điều cấm cán bộ công chức không được làm.
- Đẩy mạnh hoạt động cải cách lề lối làm việc, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, quán triệt trong cán bộ đảng viên phải thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013 của Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao về “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm” với mục đích là nâng cao chất lượng hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, đảm bảo việc xử lý hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm, kiên quyết không để xảy ra oan sai. Nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, đẩy mạnh công tác kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm của Ngành và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp trong tình hình hiện nay. Xây dựng đội ngũ cán bộ ngành kiểm sát“Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỹ cương và trách nhiệm”, từ đó xây dựng Ngành luôn trong sạch, vững mạnh để góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp.
4. Khuyến nghị:
Chi bộ 3 thuộc Đảng bộ VKSND TP Đà Nẵng biên soạn đề cương chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm” để tổ chức sinh hoạt định kỳ của Chi bộ, đề nghị các Cán bộ, đảng viên chi bộ 3 và đảng viên Đảng bộ Viện KSND thành phố Đà Nẵng quan tâm tham gia, đóng góp ý kiến thiết thực có ý nghĩa quan trọng làm bài học phong phú để học tập làm theo và bổ sung chuyên đề có chất lượng tốt.