Được Tòa án cấp sơ thẩm xét xử cho hưởng án treo khi không đủ điều kiện theo quy định; 01 bị cáo phạm tội “Tổ chức đánh bạc” đã bị Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) thành phố Đà Nẵng kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo hướng giữ nguyên mức hình phạt nhưng không cho hưởng án treo và được Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Đà Nẵng chấp nhận kháng nghị.
Trong ngày 18.5.2023, tại Trụ sở TAND thành phố Đà Nẵng, đã diễn ra phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Xuân Chinh phạm tội “Tổ chức đánh bạc” theo quy định tại Điều 322 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS) do có kháng nghị của VKSND thành phố Đà Nẵng.
Nội dung vụ án: Vào tháng 4.2022, Nguyễn Xuân Chinh và Lê Đình An cùng với đối tượng tên Tiến (chưa rõ nhân thân, lai lịch) đã bàn bạc thống nhất góp chung số tiền 80.000.000 đồng và lập nhóm zalo “Thần tài” để cùng nhau tổ chức đánh bạc dưới hình thức ghi số đề thắng thua bằng tiền cho những người chơi trên cơ sở kết quả xổ số kiến thiết hàng ngày của các đài miền Trung, miền Nam và miền Bắc. Trong ngày 16.5.2022, Chinh, An và Tiến đã tổ chức đánh bạc dưới hình thức ghi số đề thắng thua bằng tiền nhằm thu lợi bất chính với tổng số tiền đánh bạc là 111.654.000 đồng, số tiền thu lợi bất chính là 21.270.000 đồng.
Bản án hình sự sơ thẩm số 18/2023/HSST ngày 23.02.2023 của TAND quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng đã tuyên bố bị cáo Nguyễn Xuân Chinh phạm tội “Tổ chức đánh bạc”. Áp dụng điểm c Khoản 1 Điều 322; điểm s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51; Điều 65 BLHS; xử phạt bị cáo Nguyễn Xuân Chinh 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 36 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Ngày 21.3.2023, VKSND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 03/QĐ-VKSĐN-P7, kháng nghị một phần Bản án hình sự sơ thẩm nêu trên về phần hình phạt, đề nghị xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng: sửa bản án sơ thẩm, thay đổi biện pháp chấp hành hình phạt, buộc bị cáo Nguyễn Xuân Chinh phải chịu hình phạt tù (giữ nguyên mức án), không cho bị cáo Chinh được hưởng án treo.
Kiểm sát viên Lương Hồng Minh – Trưởng phòng 7, THQCT, KSXX phúc thẩm tại phiên tòa
Tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên đã phát biểu quan điểm:
Việc TAND quận Thanh Khê quyết định xử phạt bị cáo Nguyễn Xuân Chinh 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo là không có cơ sở, không đủ điều kiện để được hưởng án treo theo quy định của Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP ngày 15.4.2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15.5.2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo. Cụ thể:
Căn cứ quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP ngày 15.4.2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15.5.2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo thì điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo là:
“Người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Bị xử phạt tù không quá 03 năm.
2. Người bị xử phạt tù có nhân thân là ngoài lần phạm tội này, người phạm tội chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.
a) Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà tính đến ngày phạm tội lần này đã quá thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo;
b)…”.
Theo hướng dẫn tại Mục 4, Phần I Công văn giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ số 01 ngày 07.4.2017 của Tòa án nhân dân tối cao thì: Phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng là phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Phạm tội gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù.
- Phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng người phạm tội có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể trọng vụ án có đồng phạm.
Về nhân thân, bị cáo Nguyễn Xuân Chinh vào ngày 25.02.2020, đã bị Công an phường Hoà Phát, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng quyết định xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc trái phép được thắng thua bằng tiền với hình thức “Xóc bầu cua” (Quyết định số 59). Việc xử lý vi phạm hành chính đối với bị cáo Chinh đã quá thời hạn 01 năm kể từ ngày chấp hành xong quy định xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì được coi là chưa bị xử phạt hành chính:
“Điều 7. Thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính
- Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
- ….”.
Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Xuân Chinh bị truy tố, xét xử về tội “Tổ chức đánh bạc” theo điểm c Khoản 1 Điều 322 BLHS, có khung hình phạt tù cao nhất đến 05 năm, là tội phạm nghiêm trọng và bị cáo là người khởi xướng, lập ra nhóm zalo “Thần tài”, bị cáo cũng là người có số tiền tổ chức đánh bạc nhiều hơn bị cáo Lê Đình An; không thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nên không đủ điều kiện hưởng án treo.
Trên cơ sở đó, Kiểm sát viên đã đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm b Khoản 1 Điều 355, Khoản 2 Điều 357 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, chấp nhận toàn bộ kháng nghị phúc thẩm số 03/QĐ-VKSĐN-P7 ngày 21.3.2023 của VKSND thành phố Đà Nẵng.
Đồng ý với quan điểm của Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đã tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng buộc bị cáo Nguyễn Xuân Chinh phải chịu hình phạt tù (giữ nguyên mức án), không cho bị cáo Chinh được hưởng án treo.
Bùi Thị Hiền- Phòng 7