menu_WAR_vienkiemsatportlet_INSTANCE_hKWBd2nFDgz3
Chi đoàn Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng hưởng ứng tháng Thanh niên với hoạt động “Ngược dòng lịch sử”
Đăng ngày 28-03-2022 08:08

Nhân kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2022), sáng ngày 25/3/2022, Chi đoàn Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) thành phố Đà Nẵng đã tổ chức thắp hương tại Thành Điện Hải và thăm quan bảo tàng Đà Nẵng để tìm hiểu thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc nói chung, của quân và dân Đà Nẵng nói riêng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.

Thành Điện Hải – dấu ấn của một thời vàng son, một công trình kiến trúc mang ý nghĩa lịch sử to lớn, nơi ghi nhớ truyền thống đấu tranh trong công cuộc giữ vững nền độc lập dân tộc và bảo vệ lãnh thổ của nhân dân Đà Nẵng nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Thành Điện Hải trước kia được xây dựng vào thời Gia Long thứ 12 (năm 1813) ở ven sông Hàn với tên gọi đồn Điện Hải. Đến đời vua Minh Mạng thứ 4 (năm 1823), thì đồn được di dời vào bên trong đất liền (nay thuộc địa phận phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) và sau đó được đổi tên là Thành Điện Hải. Năm 1858, khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha lần đầu tiên nổ súng xâm chiếm Việt Nam, thành Điện Hải trở thành tiền đồn ngăn bước chân kẻ thù.

Trong những năm sau đó, Thành Điện Hải cũng chính là đồn lũy quan trọng góp phần đánh bại cuộc tấn công của thực dân Pháp tại Đà Nẵng trong những năm từ 1858 đến 1860. Với giá trị lịch sử và kiến trúc to lớn, ngày 16/11/1988 thành đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia và được gắn bia di tích ngày 25/8/1998; được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2082/QĐ-TTg ngày 25/12/2017.

Các đoàn viên Chi đoàn VKSND TP Đà Nẵng thắp hương tưởng nhớ tại tượng thờ vị tướng tài ba Nguyễn Tri Phương (1800 - 1873), danh tướng đã chỉ huy quân đội nhân dân Việt Nam một cách sáng suốt nhất để có thể đánh bại quân Pháp - Tây Ban Nha (1858 - 1860) được đặt tại di tích Thành Điện Hải

Sau khi thắp hương tại tượng thờ danh tướng Nguyễn Tri Phương ở phía ngoài, các đoàn viên Chi đoàn tiếp tục tiến hành thăm quan Bảo tàng Đà Nẵng được tọa lạc ngay trong khuôn viên Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải. Bảo tàng Đà Nẵng được khởi công xây dựng từ năm 2005 và đưa vào hoạt động đón khách tham quan từ năm 2011.

Chính giữa Bảo tàng tại tầng 1 là gian khánh tiết được thiết kế theo hình vòng cung, lấy ý tưởng từ thế đất Đà Nẵng như một vòng tay lớn ôm lấy biển khơi – đây cũng là điểm nổi bật, đặc trưng của Bảo tàng Đà Nẵng. Mảng đai vách chính tạo thành 5 cánh buồm, tượng trưng cho ngũ hành, cho thành phố biển đang vươn ra biển lớn. Năm cánh buồm mang các bức phù điêu, nội dung miêu tả khái quát tiến trình lịch sử của đất nước để đưa đến việc hình thành mảnh đất Đà Nẵng giàu đẹp hôm nay, điểm nhấn nói lên Đà Nẵng là bàn đạp trong tiến trình mở cõi về phương Nam để có một Việt Nam thống nhất trải dài đến mũi Cà Mau.

Cùng với sự hướng dẫn đầy đủ, nhiệt tình của hướng dẫn viên tại Bảo tàng, tất cả các đoàn viên Chi đoàn VKSND TP Đà Nẵng đã lần lượt thăm quan hết 03 tầng trưng bày tại Bảo tàng, qua đó hiểu rõ hơn tổng quan về các yếu tố tự nhiên, văn hóa, xã hội của Đà Nẵng; về lịch sử đấu tranh cách mạng của quân dân Đà Nẵng qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và thấy được những chứng tích chiến tranh của lính Mỹ ở Đà Nẵng và các vùng phụ cận cũng như những đặc trưng văn hóa dân tộc ở Đà Nẵng – Quảng Nam.

Một số hình ảnh thăm quan tại Bảo tàng Đà Nẵng:

Hoạt động thăm quan tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt thành Điện Hải và Bảo tàng Đà Nẵng là một trong những hoạt động quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động của Chi đoàn VKSND thành phố Đà Nẵng trong tháng Thanh niên năm 2022. Đến với Thành Điện Hải, Bảo tàng Đà Nẵng các đoàn viên của Chi đoàn VKSND thành phố Đà Nẵng không chỉ được biết thêm về lịch sử của Đà Nẵng mà còn được sống lại những ký ức của một thời oai hùng qua những chiến tích vẫn còn được lưu giữ nơi đây, bồi đắp thêm về lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc của mỗi đoàn viên.

                                                                              Bài viết: Bùi Hiền, ảnh: Thái Sơn