menu_WAR_vienkiemsatportlet_INSTANCE_hKWBd2nFDgz3
Có nên thành lập VKSND và TAND sơ thẩm khu vực
Đăng ngày 30-08-2012 13:42
Tại Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị về "Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, VKS và các cơ quan điều tra theo Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020: đã nêu rõ phương hướng đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân theo cơ cấu thành lập bốn cấp đó là: Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực; Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân cấp cao; Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân tối cao. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đi sâu về việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực mà cụ thể là ở tỉnh Quảng Nam, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính nhà nước cấp huyện trong cùng đơn vị hành chính cấp tỉnh. Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực thực hiện chức năng thuộc thẩm quyền của mỗi ngành như hiện nay. Tuy nhiên, đề án thành lập Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực sẽ không phù hợp với thực tế khách quan và gây nhiều khó khăn, trở ngại cho công tác thực thi pháp luật ở địa phương, bởi lẽ:

 

Một là,đơn vị hành chính nhà nước cấp huyện thuộc các tỉnh trung du, miền núi tuy dân số ít, nhưng phân tán trên diện tích đất tự nhiên khá rộng và địa hình phức tạp, núi sông hiểm trở, đường giao thông đi lại chủ yếu là đường đất hoặc đường trải đá cấp phối, mùa mưa lũ nước sông dâng cao gây sạt lở đường đi lại khó khăn, đôi khi bị cô lập “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Trong tương lai thành lập Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực có thể là một đơn vị hành chính cấp huyện, có thể sáp nhập hai hoặc ba đơn vị hành chính cấp huyện; điều đó sẽ gây bất lợi cho việc đi lại và quan hệ công tác nghiệp vụ chuyên môn giữa các ngành tư pháp.

Đại đa số các tỉnh ở trung du, miền núi, Tây Nguyên, Tây Bắc, biên giới của nước ta, trong đó có tỉnh Quảng Nam, dân số khoảng 1,5 triệu người, diện tích gần 10.430km2 và hiện tại có 18 đơn vị hành chính cấp huyện. Song song với đơn vị hành chính, ngành cấp trên cho thành lập 18 Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân cấp huyện để cùng cơ quan Công an sở tại phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương đã là khó khăn. Nay, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân tỉnh có đề án thành lập 10 đơn vị Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực. Khu vực các huyện Đông Giang - Tây Giang có diện tích trên 1.715km2, trung tâm hành chính giữa hai huyện cách nhau trên 40km. Hoặc, khu vực các huyện Bắc Trà My - Nam Trà My có khoảng 1.641km2 và trung tâm hành chính giữa hai huyện cách nhau chừng 50km. Từ trung tâm tỉnh lỵ Quảng Nam đi huyện Tây Giang trên 220km và đi huyện Nam Trà My trên 100km đường tỉnh lộ độc đạo hiu quạnh và đầy rẫy ổ voi, ổ gà, khiến người đi trên xe luôn ở trạng thái lắc lư nghiêng qua, nghiêng lại theo tiếng động như điệu nhạc “chách chách bùm, chách chách bùm...” suốt cả cuộc hành trình. Nếu người nào có dịp đi qua một lần rồi mới chứng kiến cái thực khốn khó của người dân, người cán bộ thường xuyên công tác ở nơi này.

Hai là,nếu thành lập VKS và TAND sơ thẩm khu vực theo dự kiến như trên ở tỉnh Quảng Nam thì sẽ gây bất lợi cho các cơ quan và những người tiến hành tố tụng ở địa phương như: Mỗi tháng ít nhất ba lần, lãnh đạo của Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực có trụ sở đóng tại trung tâm huyện Đông Giang đi huyện Tây Giang, hoặc từ trụ sở đóng tại trung tâm huyện Bắc Trà My đi huyện Nam Trà My để họp Huyện ủy mở rộng, họp UBND và các ban, ngành của huyện phải dầm mưa, dãi nắng để vượt qua quãng đường dài 40-50 km, vừa tốn thời gian đi lại, vừa tốn kém thêm chi phí nghiệp vụ của đơn vị và quan trọng hơn là sức khỏe của cán bộ có đảm bảo bền lâu để đi lại họp hành hay không? Đối với Kiểm sát viên được giao nhiệm vụ phụ trách công tác kiểm sát việc giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù; kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, thi hành án dân sự, hàng tuần hoặc đột xuất phải vượt qua 40 đến 50 km mới đến Công an huyện nơi không có trụ sở làm việc của Viện kiểm sát khu vực để thực hiện công tác kiểm sát Nhà tạm giam, Trại tạm giữ; công tác phối hợp kiểm tra xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, công tác kiểm sát điều tra vụ án ngay từ khi có tội phạm xảy ra, công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi phải đi bộ chừng hai, ba ngày đường từ trung tâm huyện đến nơi xảy ra sự việc; mỗi khi có sự việc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội xảy ra nơi địa bàn không có trụ sở Viện kiểm sát nhân dân khu vực, thì Kiểm sát viên làm sao có mặt kịp thời để cùng cơ quan điều tra Công an huyện sở tại phối hợp giải quyết? Ngược lại, sau khi tác nghiệp xong các thủ tục tố tụng về khởi tố vụ án, khởi tố bị can, các lệnh tạm giữ, tạm giam, khám xét... Điều tra viên của cơ quan điều tra Công an các huyện không có Viện kiểm sát khu vực phải mang các văn bản tố tụng và hồ sơ vụ án, vượt qua quãng đường 40 đến 50 km để đề nghị Viện kiểm sát nhân dân khu vực phê chuẩn trước khi thi hành rất là khó khăn và trở ngại cho công việc, chưa nói đến Viện kiểm sát khu vực xây dựng trụ sở làm việc ở huyện này, Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực xây dựng trụ sở làm việc ở huyện khác, thì việc chuyển giao hồ sơ, các văn bản tố tụng và quan hệ làm việc hàng ngày của các cơ quan tiến hành tố tụng quả thật sẽ gặp nhiều khó khăn chắc chắn không có Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Điều tra viên, Thẩm phán, Thư ký Tòa án nào đủ sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong suốt thời gian thi hành công vụ. Trong chừng mực nào đó, điều kiện khách quan cũng hạn chế và ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.

Trong khi đó, thành phố Đà Nẵng có diện tích 942,66 km2 với khoảng 650.000 người. Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân quận, huyện được thành lập 08 đơn vị theo đơn vị hành chính, thì Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân thành phố đưa ra đề án thành lập 04 Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực. Trong đó, các khu vực gồm: Quận Sơn Trà - quận Ngũ Hành Sơn; quận Thanh Khê - quận Liên Chiểu; quận Hải Châu – quận Cẩm Lệ; riêng huyện Hòa Vang là một khu vực (chưa kể huyện đảo Hoàng Sa). Trung tâm hành chính của quận này đến quận kia chỉ cách nhau khoảng chừng 5 đến 7km, do đó, việc đi lại quan hệ công tác, thực thi nhiệm vụ có phần thuận lợi cả về thời gian, không gian, giao thông đường bộ và tiết kiệm được nhiều chi phí nghiệp vụ. Đối với thành phố Hồ Chí Minh có 24 đơn vị hành chính cấp huyện, thì Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân thành phố đưa ra dự án thành lập 18 Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực. Trong đó, có nhiều Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân cấp huyện chỉ thay tên gọi là Viện kiểm sát nhân dân khu vực và Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực thì chẳng khác nào “rượu cũ rót bình mới”. Điều đó cho thấy mỗi địa phương thực hiện một kiểu, không nơi nào giống nơi nào.  

Ba là,đất nước Việt Nam hiện có 54 dân tộc anh em, sống rải rác ở vùng sâu, vùng xa, ở các tỉnh miền núi có đường biên giới chung với nước ngoài, ví dụ như: Tỉnh Quảng Nam có 19 dân tộc khác nhau, ngoài dân tộc kinh thì có các dân tộc khác chiếm đa số là Cơ Tu, Xơ Đăng, Triên-Dẽ, Cà Dong... Bao gồm 24.000 hộ dân với 114.000 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 7,6% dân số trên toàn tỉnh, trình độ dân trí và văn hóa của người dân còn nhiều hạn chế, đa phần họ sống manh mún du canh, du cư theo phong tục tập quán riêng qua nhiều thế hệ, do đó ngôn ngữ bất đồng, trình độ nhận thức, học tập và mối quan hệ giữa các dân tộc còn nhiều hạn chế, nét đặc trưng riêng của người dân chính là “lệ làng”; vì vậy, việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, nếu trụ sở làm việc của hai ngành đặt ở đơn vị hành chính huyện này, thì mối quan hệ làm việc đối với cán bộ trong hệ thống cơ quan hành chính huyện kia khó hòa đồng với nhau, công tác phối hợp giữa các cơ quan hành chính địa phương với các cơ quan và người tiến hành tố tụng thiếu sự nhạy bén và dễ nẩy sinh tình trạng cục bộ địa phương, cục bộ ngành. Cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực không phải là cơ quan dân vận để làm công tác dân vận cho cán bộ, nhân dân địa phương và cũng thể trong một thời gian ngắn mà học hết ngôn ngữ của các dân tộc anh em trong khu vực để giao tiếp và làm quen với môi trường, phong tục, tập quán của người dân bản địa để tiếp cận hướng dẫn người dân nhận thức và chấp hành pháp luật thông suốt và thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của người công dân ở địa phương.

Bốn là, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc cơ cấu bộ máy làm việc của đơn vị hành chính cấp huyện, nay thành lập Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực không những gây khó khăn trở ngại cho các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện, mà còn gây tốn kém không nhỏ đến kinh phí của Nhà nước để xây dựng trụ sở làm việc; nhà công vụ; mua sắm máy móc trang thiết bị, bàn ghế, tủ giường cho cán bộ, công chức; phương tiện đi lại phục vụ cho công tác nghiệp vụ chuyên môn... Hoặc, nhỏ nhất là sự thay đổi tên cơ quan Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cấp huyện thành Viện kiểm sát nhân dân khu vực, Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, sẽ kéo theo thay đổi khuôn dấu tên của các cơ quan này, góp phần tốn kém và gây lãng phí đến ngân sách của Nhà nước. Giá như sự thay đổi mô hình Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân thuộc đơn vị hành chính cấp huyện, thành Viện kiểm sát nhân dân khu vực và Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực mà đạt được mục đích lớn, dẫu có tốn kém bao nhiêu kinh phí thì Nhà nước cũng lo liệu được.

Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi ngành trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, nhằm phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị địa phương, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương cần xem xét:  

Mở trường đào tạo và giáo dục thật sự cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác này vừa hồng vừa chuyên, tâm huyết với ngành, với nghề góp phần bảo vệ chân lý, không xa hoa lãng phí, đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực đã và đang xảy ra trong xã hội. Đồng thời, tránh tình trạng dạy qua loa, học giả, bằng thật;

Bố trí và phân công nhiệm vụ chuyên môn cho cán bộ, công chức đúng sở trường, phù hợp với tâm tư nguyện vọng và sức khỏe của mỗi người, có như vậy sẽ tạo được động lực thúc đẩy cán bộ, công chức phấn đấu vươn lên đảm đương và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao;

Đảm bảo chế độ tiền lương, phụ cấp cho cán bộ, công chức trong các cơ quan tiến hành tố tụng, để họ thực thi nhiệm vụ đúng nghĩa là cán bộ “nghiên cứu khoa học pháp lý”. Và có như vậy mới mong hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám” ở một số tỉnh, thành phố như hiện tại.

Hy vọng qua bài viết này sẽ giúp cho các cơ quan và người có trách nhiệm xem xét, lựa chon giải pháp tối ưu để xây dựng hệ thống các cơ quan tiến hành tố tụng vững mạnh, đáp ứng năng lực phục vụ đất nước trong thời kỳ đổi mới.                                                                                                    

Thái Nguyên Toàn

Main is temporarily unavailable.