menu_WAR_vienkiemsatportlet_INSTANCE_hKWBd2nFDgz3
Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2002 - Mười năm nhìn lại
Đăng ngày 18-09-2012 14:24
Ngày 15-7-1960 Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khoá II, kỳ họp thứ nhất đã thông qua Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, tiếp đến ngày 26-7-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh số 20-L/CTN công bố Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960, đánh dấu sự ra đời của hệ thống cơ quan Viện kiểm sát nhân dân trong hệ thống bộ máy Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Trong hơn 50 năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan nhà nước và các tổ chức ở Trung ương và địa phương, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, ngành Kiểm sát nhân dân đã không ngừng phấn đấu và trưởng thành trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, phục vụ việc phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm các quyền dân chủ của nhân dân. Bằng những kết quả của các lĩnh vực công tác kiểm sát, Viện kiểm sát các cấp đã góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội, vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà cũng như vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Năm 2002,theo yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp, đã cóbước điều chỉnh quan trọng về chức năng hoạt động của Viện kiểm sát . Để thực hiện cải cách tư pháp, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 đã quy định Viện kiểm sát nhân dân không thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội, nhấn mạnh việc tăng cường chức năng thực hành quyền công tố và ghi nhận chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp. Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 đã thể chế hóa quy định của Hiến pháp, ghi nhận cụ thể, rõ ràng về vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.

Thực hiện các quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 và các văn bản pháp luật có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân mới được ban hành như Pháp lệnh kiểm sát viên năm 2002, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, Nghị quyết số 388 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra, tiếp tục thực hiện các yêu cầu của cải cách tư pháp theo tinh thần các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng như Chỉ thị số 53-CT/TW ngày 21/3/2000, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/1/2002 của Bộ Chính trịvà Nghị quyết 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến 2020 ... các lĩnh vực công tác của Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã có những tiến bộ đáng kể, nhất là công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự.  

          Sau khi Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002có hiệu lực thi hành (sau đây gọi tắt là Luật tổ chức). Căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Đà Nẵng đã xây kế hoạch, tổ chức quán triệt đến từng cán bộ công chức nội dung của Luật và Pháp Lệnh. Đồng thời, trong quá trình thực hiện đã tiến hành tập hợp những vướng mắc, khó khăn, tổ chức  trao đổi, tọa đàm  với các cơ quan tư pháp để bàn biện pháp thống nhất thực hiện, đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền không giải quyết được đã báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Viện kiếm sát nhân dân Tối cao và Liên ngành tư pháp trung ương. Vì vậy, việc triển khai thực thiện Luật, pháp lệnh tại đơn vị kịp thời, đúng quy định.

          Hơn 10 năm  thi hành các quy định của luật tổ chức, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) đã lộ ra quá nhiều bất cập, nhất làcác quy định về thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự. Chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của VKSND được quy định tại Chương II Luật tổ chức VKSND và được cụ thể hóa trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (BLTTHS) và Quy chế kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, trong đó Viện kiểm sát (VKS) phải có trách nhiệm kiểm sát tốt hoạt động điều tra, đảm bảo việc khởi tố, điều tra theo đúng quy định của pháp luật.Trong thực tiễn áp dụngLuật tổ chức VKSND và BLTTHS còn tồn tại nhiều bất cập chưa được điều chỉnh khiến cho chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra của VKS còn nhiều hạn chế, cụ thể:

          - Tại Khoản 1 Điều 13 Luật tổ chức VKSND và Điểm a Khoản 2 Điều 36 BLTTHS quy định khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, VKS có nhiệm vụ và quyền hạn “Khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can,…”, nhưng tại Điều 104 BLTTHS quy định về khởi tố vụ án hình sự lại quy định VKS chỉ được ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp VKS hủy bỏ quyết định không khởi tố của Cơ quan điều tra và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Vì vậy, thực tế có nhiều trường hợp vụ việc có dấu hiệu phạm tội cần được khởi tố điều tra, nhưng vì nhiều lý do khác nhau Cơ quan điều tra không ra quyết định khởi tố và cũng không ra quyết định không khởi tố vụ án thì VKS không thể ra quyết định khởi tố vụ án để yêu cầu điều tra mà chỉ có thể ra văn bản yêu cầu khởi tố vụ án (theo quy định tại Điều 114 BLTTHS về yêu cầu khởi tố vụ án hình sự).

          - Tại Điều 14 Luật tổ chức VKSND chỉ quy định VKS có trách nhiệm kiểm sát các hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra, mà không quy định VKS có quyền trực tiếp chỉ đạo hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra, điều này gây nhiều khó khăn trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra của VKS. Bởi lẽ, VKS phải chịu trách nhiệm đối với tất cả các quyết định mà VKS phê chuẩn, nhưng VKS không được trực tiếp chỉ đạo hoạt động điều tra nhằm đảm bảo tránh các sai sót của Cơ quan điều tra trong hoạt động điều tra.

          - Các quy định tại Điều 13 và Điều 14 Luật tổ chức VKSND – dẫn chiếu theo các quy định của Điều 112 và 113 BLTTHS, đã rõ có tính khả thi. Tuy nhiên, vẫn còn một số chế định pháp lý chưa rõ ràng như tại Khoản 2 Điều 13 Luật tổ chức VKSND và Khoản 2 Điều 112 BLTTHS quy định "Khi xét thấy cần thiết, trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật hay của Bộ luật này". Quy định này là quy định tùy nghi, làm cho KSV khó thực hiện, dựa vào tiêu chí hoặc cơ sở pháp lý nào để cho rằng đã đến lúc "xét thấy cần thiết để trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra". Một số vấn đề còn đang vướng mắc trong khi thực hành quyền công tố, cụ thể là: Quyết định không khởi tố vụ án của CQĐT là quyết định tố tụng hình sự không thuộc phạm vi phê chuẩn của VKS nhưng khi VKS kiểm sát điều tra phát hiện việc khởi tố vụ án không có căn cứ trái pháp luật thì VKS có quyền ra quyết định hủy bỏ Quyết định khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra. Trong thực tiễn, các trường hợp QĐKKTVAHS của Cơ quan điều tra có căn cứ pháp luật thì VKS có văn bản đồng ý với quyết định của CQĐT, vấn đề này chưa được quy định trong Luật tổ chức VKSND, BLTTHS và cách giải quyết sự việc như vậy là chưa phù hợp với tính chất của sự việc, chưa thể hiện chức năng quyền hạn của cơ quan VKS khi thực hành quyền công tố.

          Trong thực tiễn thì việc thực hiện Khoản 4, Khoản 5 Điều 14 Luật tổ chức VKSND, một số trường hợp hiểu và áp dụng chưa sát so với nội dung của luật quy định, cụ thể:

          + Khoản 4 Điều 14 Luật tổ chức VKSND quy định: nhiệm vụ, quyền hạn của VKS yêu cầu CQĐT khắc phục vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra, yêu cầu Thủ trưởng CQĐT xử lý điều tra viên vi phạm pháp luật.

          + Khoản 5 Điều 14 Luật tổ chức VKSND quy định: nhiệm vụ, quyền hạn của VKS kiến nghị Cơ quan, tổ chức và đơn vị hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

          Nhưng trong thực tế thì những vi phạm của Điều tra viên và CQĐT trong hoạt động điều tra cũng như các vi phạm pháp luật của các cơ quan Nhà nước khác trong quản lý thì VKS đều ban hành các kiến nghị yêu cầu CQĐT và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác khắc phục vi phạm pháp luật. Thiết nghĩ, nên quy định chung là kiến nghị đối với 2 loại cơ quan nêu trên.

          - Luật tổ chức VKSND và BLTTHS quy định Viện trưởng VKS phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình; Cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân,… có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh các quyết định và yêu cầu của VKS theo quy định của pháp luật, của cơ quan, tổ chức, đơn vị cho VKS.

          Quy định trên là không ràng buộc nghĩa vụ pháp lý đối với Cơ quan, tổ chức,… phải thực hiện các kiến nghị yêu cầu của VKSND,cần quy định thời gian thực hiện và trả lời kết quả của việc khắc phục, sửa chữa vi phạm pháp luật.

          - Luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu tập trung cho chức danh Viện trưởng và Phó Viện trưởng, chưa phân công hoặc giao việc cho KSV, là chưa tương ứng với tổ chức và hoạt động của CQĐT. Hiện tại các chức danh Trưởng phòng, Phó phòng, Cục trưởng, Phó Cục trưởng hầu hết đều là Phó Thủ trưởng CQĐT. Họ có quyền ra các quyết định tố tụng, các quyết định đó phải do Viện trưởng, Phó Viện trưởng phê chuẩn. Trong khi các KSV giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý chỉ có nhiệm vụ, quyền hạn của một KSV thực thụ, làm công tác kiểm sát điều tra.

          - Tại Điều 37, 112 BLTTHS, Khoản 2 Điều 13 Luật tổ chức VKSND quy định cụ thể về việc yêu cầu điều tra và thực hiện yêu cầu điều tra. Hiện nay, theo yêu cầu ngành kiểm sát thì sau khi được phân công kiểm sát điều tra vụ án, KSV phải đề ra yêu cầu điều tra vụ án bằng văn bản. Tuy nhiên, có những trường hợp Điều tra viên không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủvới việc đề ra yêu cầu điều tra của KSV, dẫn đến  phải trả hồ sơ điều tra bổ sung, kéo dài thời hạn điều tra vụ ánmà chưa có chế tài ràng buộc trách nhiệm.

          Trong thực tiễn thi hành các quy định kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật. Tại khoản 3 Điều 21 Luật tổ chức VKSND quy định VKS tham gia các phiên tòa và phát biểu quan điểm của VKS nhân dân về việc giải quyết vụ án. Như vậy, VKS có quyền tham gia tất cả các phiên tòa dân sự. Tuy nhiên, tại  khoản 2 Điều 21 BLTTDS đã bỏ đi quyền tham gia phiên tòa dân sự của VKS, chỉ quy định VKS tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần. Điều này là chưa hợp lý, bởi nếu VKS đã có quyền kháng nghị nội dung và hình thức của Bản án, quyết định của Tòa án thì VKS cũng phải được quyền phát biểu về việc giải quyết nội dung vụ án tại phiên tòa xét xử sơ thẩm.  Tại điều 22 Luật tổ chức VKSND quy định khi kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật, VKS có quyền… kiến nghị với Tòa án nhân dân cùng cấp và cấp dưới khắc phục vi phạm pháp luật trong việc giải quyết các vụ án…. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 117 BLTTDS quy định trường hợp không chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Thẩm phán thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu biết, mà không quy định phải thông báo bằng văn bản cho VKS. Việc quy định như vậy đã gây khó khăn cho VKS thực hiện quyền kiến nghị theo Điều 124 BLTTDS. Vì vậy, VKS không thể thực hiện quyền kiến nghị việc Tòa án áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Điều 124 BLTTDS.Điều 6 Luật tổ chức VKSND quy định các quyết định kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu của VKS phải được các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm chỉnh theo quy định của pháp luật, nhưng chưa có điều luật nào quy định biện pháp chế tài được áp dụng nếu các cơ quan, tổ chức không thực hiện các kiến nghị, yêu cầu của VKS. Điều 20 Luật tổ chức VKSND quy định VKS kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân,… như đã nêu ở Khoản 4 Điều 3 Luật tổ chức VKSND thì cần phải có quy định đầy đủ hơn. Khoản 5 Điều 21 Luật tổ chức VKSND quy định kiểm sát việc tuân theo pháp luật của những người tham gia tố tụng là chưa phù hợp với quy định của BLTTDS, Luật tố tụng hành chính.

          Để chống bỏ lọt tội phạm, trước hết VKS phải kiểm sát được hoạt động tiếp nhận và giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm của các cơ quan có thẩm quyền đã được pháp luật quy định. Nhưng Luật tổ chức VKSND và BLTTHS tuy quy định VKS có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết của Cơ quan điều tra đối với tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, nhưng lại không quy định các quyền năng pháp lý cụ thể và cần thiết cho việc thực hiện nhiệm vụ này. Trong nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của KSV được quy định tại Điều 37 BLTTHS cũng chỉ có những quy định Kiểm sát viên có những nhiệm vụ, quyền hạn phát sinh từ khi được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng đối với vụ án hình sự. Chính vì vậy hiện nay trong thực tiễn VKSND các địa phương vẫn còn lúng túng trong việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ có tính pháp lý để kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm. Do đó, có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này như: Chủ động tìm mọi biện pháp để nắm tòan bộ tin báo tội phạm xảy ra trên địa bàn hay pháp luật chỉ quy định VKS có nhiệm vụ tiếp nhận và chuyển Cơ quan điều tra giải quyết những tin báo, tố giác tội phạm đã được gửi hoặc thông báo đến VKSND theo quy định tại Điều 103 BLTTHS; Ngòai ra, VKS không có trách nhiệm và cũng không có quyền tổ chức việc đến các cơ quan khác để nắm bắt tin báo, tố giác tội phạm hoặc yêu cầu họ cung cấp thông tin trước khi vụ án được khởi tố vì Luật tổ chức VKSND và BLTTHS không có quy định cụ thể về vấn đề này. Do đó, VKS không có đủ điều kiện nắm hết tình hình tội phạm xảy ra, không quản lý được kết quả giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm nên hoạt động của VKS các cấp trong việc chống bỏ lọt tội phạm còn rất hạn chế.

          Luật tổ chức VKSND chưa quy định khâu công tác về tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thành một chương riêng biệt. Các quy định về thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp ở mỗi lĩnh vực được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật khác nhau, thiếu sự thống nhất, đồng bộ, do vậy gây khó khăn trong quá trình kiểm sát. Về hoạt động kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp đối với các cơ quan tư pháp, trên thực tế chỉ có quy định chức năng, nhiệm vụ của VKS tại Điều 4 Luật tổ chức VKSND, Điều 262 Luật tố tụng hành chính, Điều 401 BLTTDS,… và quy định tại Thông tư 02/2005, Quy chế 59 của ngành KSND. Các quy định tản mạn như vậy ảnh hưởng đến tính thống nhất trong hoạt động kiểm sát công tác này.

          Điều 4 Luật tổ chức VKSND quy định VKS có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp theo quy định của pháp luật. Nhưng tại các Chương II, III, IV, V, VI Luật tổ chức VKSND quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng khâu công tác, luật chỉ mới quy định việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tại công tác kiểm sát thi hành án và kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù, mà không đề cập đến nhiệm vụ giải quyết cũng như kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về các hoạt động tư pháp trong các giai đoạn THQCT - kiểm sát điều tra, THQCT - kiểm sát xét xử, kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hành chính,… để phù hợp với các quy định tại BLTTHS, BLTTDS, Luật thi hành án hình sự, Luật thi hành án dân sự, Luật tố tụng hành chính, đồng thời trong trường hợp công tác khiếu tố không được luật hóa là một khâu công tác kiểm sát độc lập làm cho việc tiến hành kiểm sát công tác giải quyết đơn tư pháp tại Phòng Khiếu tố còn gặp nhiều trở ngại, trong khi Quyết định 487 của VKSNDTC lại giao việc thực hiện nhiệm vụ này cho các phòng nghiệp vụ tương ứng.

         

         

Trước thực tiến thi hành Luật tổ chức VKS và yêu cầu cải cách tư pháp, chúng tôi mạnh dạn đề xuất, sửa đổi những nội dung sau:

Sửa đổi, bổ sung các quy định về chức năng, nhiệm vụ của VKS theo hướng tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, thực hiện cơ chế công tố gắn với hoạt động điều tra, phù hợp với chủ trương xây dựng một nền công tố mạnh. Sửa đổi,bổ sung các quy định nhằm làm rõ phạm vi, nội dung, phương thức thực hiện chắc năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp của VKS phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp.

Đối với chức năng thực hành quyền công tố, về cơ bản những quy định hiện hành trong Luật tổ chức VKSND và BLTTHS là hợp lý, nhưng có một số quy định về nhiệm vụ của VKS còn thiếu tính khả thi, cần hòan thiện thêm. Luật tổ chức VKSND cần quy định các quyền năng pháp lý cụ thể và cần thiết cho việc thực hiện nhiệm vụ này, đồng thời quy định rõ công tác tiếp nhận và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm là một trong những nhiệm vụ để VKSND thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự của Cơ quan điều tra và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Xác định rõ hơn nhiệm vụ thống kê tội phạm của VKS tại Điều 5 Luật tổ chức VKSND.

Trong lĩnh vực kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự cần sửa đổi theo quy định của BLTTDS để đảm bảo tính thống nhất.

Cần quy định rõ về phạm vi thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, bắt đầu từ việc phát hiện, khởi tố vụ án, điều tra, truy tố, xét xử vụ án.

Cần có quy định cụ thể các vụ án trong lĩnh vực dân sự mà VKS tham gia phiên tòa, tránh việc thực hiện không thống nhất giữa các đơn vị. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm và quyền hạn của VKS trong khâu công tác này.

Tại khoản 1 Điều 13 Luật tổ chức VKSND và điểm a khoản 2 Điều 36 BLTTHS quy định VKS có quyền khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can. Vì vậy cần quy định cụ thể trong luật, VKS có quyền yêu cầu các cơ quan cung cấp tài liệu, thông tin cần thiết phục vụ cho công tác kiểm sát việc khởi tố, không khởi tố vụ án hình sự.

Những quy định về kiểm sát vụ án dân sự, cần quy định cho VKS có trách nhiệm bảo vệ tài sản của Nhà nước, tài sản công cộng, những vụ tranh chấp đất đai phức tạp được dư luận quan tâm.

Hiện nay, trong các quy định của Luật tổ chức VKSND chưa có quy định về chế tài áp dụng đối với việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân không tiếp thu kiến nghị của VKS. Điều này chỉ được quy định một cách chung chung là chưa đầy đủ, cần thiết phải quy định rõ hình thức chế tài.

Về quy định kiểm sát việc thi hành án  cần quy định cho cơ quan, tổ chức trong khoảng thời gian nhất định phải có trả lời kiến nghị của VKS. Điều 26,27,28,29 Luật tổ chức VKSND nên đổi lại là kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.

Trong Luật tổ chức VKSND bỏ quy định về VKS có quyền khởi tố vụ án trong quá trình thực hiện chức năng kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự,…. Về nội dung này cần thay đổi là VKS có quyền kiến nghị đối với các cơ quan, tổ chức để cử người giám hộ khởi kiện trong những trường hợp cụ thể.

Về quyền quyết định một số vấn đề quan trọng của Ủy ban kiểm sát, UBKS chỉ quyết định đối với một số vấn đề quan trọng, những vụ án khác thuộc thẩm quyền của Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng và Kiểm sát viên quyết định theo các quy định của pháp luật, tránh trường hợp họp nhiều, song trách nhiệm không cụ thể.

Về tổ chức bộ máy VKSND, cơ cấu tổ chức VKSND các cấp, căn cứ Nghị quyết 49 để xây dựng tổ chức bộ máy VKSND cho phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp, tên gọi các phòng nghiệp vụ nên ngắn gọn hơn. Bổ sung thêm chức danh Kiểm tra viên trong Luật tổ chức VKSND. Nên quy định các cấp kiểm sát viên có ở mọi cấp kiểm sát bởi những tiêu chuẩn và điều kiện tuyển chọn của mỗi cấp kiểm sát viên là khác nhau dẫn đến năng lực chuyên môn, trình độ của các cấp kiểm sát viên cũng có sự khác nhau. Do vậy ở mọi cấp kiểm sát cần có nhiều kiểm sát viên để tạo điều kiện phát huy năng lực, hướng dẫn nghiệp vụ trực tiếp, làm tăng hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND các cấp.

Để  đảm bảo hoạt động của VKSNDđề nghị Quốc hội tăng định mức chi cho các cơ quan tư pháp nói chung, trong đó có Viện kiểm sát, không nên coi Viện kiểm sát là một cơ quan hành chính để áp dụng một định mức chi chung của chính phủ.

Về mối quan hệ giữa VKSND với các cơ quan nhà nước khác cần có quy định trách nhiệm phối hợp với VKSND của các cơ quan nhà nước trong công tác phòng, chống tội phạm. Nếu các cơ quan nhà nước vi phạm trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm thì VKSND có quyền kiến nghị và phải có chế tài cụ thể để VKS thực hiện quyền năng đó, đảm bảo cho pháp luật được thực thi một cách thống nhất.

Chúng ta có quyền tin tưởng rằng với những cách làm hiệu quả, thiết thực, có kế hoạch và lộ trình cụ thể, thời  gian tới Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với các bộ, ngành hữu quan sẽ soạn thảo dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới,  trình Quốc hội nhiệm kỳ khóa VIII thông qua.