Trên cơ sở quy định của điều luật, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 1.8.2012 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TTHC. Trong đó, có phần hướng dẫn KSV phát biểu ý kiến tại phiên tòa hành chính sơ thẩm. Ngoài những quy định của Điều 160 Luật TTHC nêu trên, Thông tư này còn khẳng định rõ: KSV không phát biểu ý kiến về nội dung giải quyết vụ án. Như vậy, khi tham gia phiên tòa hành chính sơ thẩm, KSV chỉ phát biểu ý kiến xung quanh nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; quyền, nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng và những người tham gia tố tụng khác như: người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; người làm chứng; người giám định; người phiên dịch; người đại diện và việc chấp hành nội quy phiên tòa. Trong thời gian nghiên cứu hồ sơ để chuẩn bị tham gia xét xử vụ án hành chính sơ thẩm, nếu phát hiện những thiếu sót trong quá trình thu thập chứng cứ, lập hồ sơ vụ án thì KSV góp ý trực tiếp, hoặc có văn bản yêu cầu Thẩm phán thụ lý vụ án xác minh, thu thập chứng cứ bổ sung theo quy định tại Khoản 3, Điều 78 Luật TTHC, nhằm giúp cho Thẩm phán củng cố hồ sơ vụ án, phục vụ cho Hội đồng xét xử đánh giá chứng cứ đầy đủ, khách quan, bảo đảm cho việc giải quyết vụ án có căn cứ, đúng pháp luật. Do đó, khi KSV tham gia phiên tòa hành chính sơ thẩm không còn gì để phát biểu, ngoài những ý kiến chung chung như: “Thẩm phán được phân công thụ lý, lập hồ sơ vụ án và tại phiên tòa hôm nay, Hội đồng xét xử tuân thủ đúng thủ tục tố tụng; những người tham gia tố tụng cung cấp tài liệu chứng cứ cho Tòa án kịp thời, đầy đủ và tham gia phiên tòa đúng theo giấy triệu tập của Tòa án”. Chính những quy định bất hợp lý của Điều 160 Luật TTHC đã làm hạn chế nhiều mặt về chức năng, nhiệm vụ của VKSND nói chung và KSV tham gia phiên tòa hành chính sơ thẩm nói riêng. Thứ nhất, điều quan trọng và cốt lõi trong vụ án hành chính là quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự bị xâm hại, mà nguyên nhân bắt đầu từ việc vi phạm pháp luật của một bên, hoặc cả hai bên đương sự trong vụ án hành chính. Do đó, các đương sự cần tiếng nói từ người có trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhằm giúp họ thấy được, nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật của mình. Nhưng mong muốn của các đương sự làm rõ bên nào chấp hành đúng pháp luật, bên nào vi phạm pháp luật không được KSV tham gia phiên tòa hành chính sơ thẩm đề cập; các đương sự ít quan tâm đến việc tuân thủ pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, trừ những trường hợp người tiến hành tố tụng bóp méo thủ tục tố tụng để làm sai lệch nội dung vụ án, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Thứ hai, điều luật còn hạn chế rất nhiều quyền của KSV khi tham gia phiên tòa hành chính sơ thẩm, chỉ phát biểu ý kiến trong phạm vi tố tụng bắt đầu từ khi Thẩm phán thụ lý vụ án cho đến trước khi Hội đồng xét xử nghị án. Do đó, Kiểm sát viên thẩm vấn những người tham gia tố tụng những vấn đề gì; xét hỏi các đương sự đối với việc chấp hành pháp luật tố tụng, hay xét hỏi toàn diện cả về tố tụng và nội dung vụ án hành chính, chưa được hướng dẫn rõ ràng. Trong thực tiễn, sau hơn 1 năm thực hiện Luật TTHC, KSV chỉ xét hỏi việc chấp hành pháp luật tố tụng, trên cơ sở giao nộp chứng cứ và sự có mặt của đương sự theo giấy triệu tập của Tòa án để phục vụ cho việc phát biểu ý kiến của mình. Tuy nhiên có nhiều trường hợp, KSV xét hỏi những người tham gia tố tụng chấp hành pháp luật về nội dung, thì những người này tôn trọng pháp luật và trình bày đầy đủ về diễn biến sự việc, giúp cho Hội đồng xét xử giải quyết vụ án đúng pháp luật. Song, cũng có một số trường hợp người bị kiện thấy việc ban hành quyết định hành chính trái pháp luật, nên đối phó và “từ chối khéo” việc xét hỏi của KSV. Rằng: “Luật TTHC không quy định KSV phát biểu ý kiến về nội dung, cho nên chúng tôi xin phép không trả lời những câu hỏi của KSV có liên quan đến nội dung giải quyết vụ án”. Do đó, có KSV tham gia phiên tòa thiếu linh hoạt thì “bó tay chống cằm”, nếu KSV có khả năng hùng biện thì đối đáp: Mặc dù Luật TTHC không quy định KSV phát biểu ý kiến về nội dung, nhưng Luật không cấm KSV xét hỏi về nội dung giải quyết vụ án đối với những vấn đề chưa được Hội đồng xét xử làm rõ, nhằm giúp cho Hội đồng xét xử nghị án và tuyên án đúng pháp luật và buộc thế các đương sự phải trả lời, nếu không trả lời thì coi như chấp nhận đã thực hiện hành vi trái pháp luật và thua kiện. Thứ ba, sau khi kết thúc phần xét hỏi tại phiên tòa và chuyển sang phần tranh luận, các đương sự và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện hoặc người bị kiện dựa trên các chứng cứ đã thực hiện trước khi Tòa án thụ lý vụ án, để tranh luận quyết liệt bảo vệ nội dung khởi kiện, bị kiện và sau đó KSV phát biểu ý kiến về việc tuân thủ và chấp hành pháp luật của Hội đồng xét xử, của những người tham gia tố tụng; không được phép phát biểu ý kiến “lấn sân” về nội dung giải quyết vụ án của Hội đồng xét xử, dù có đủ căn cứ xác định đúng - sai của các bên đương sự. Điều đó, khiến mọi người có mặt dự phiên tòa hành chính sơ thẩm không nắm vững quy định của pháp luật tố tụng hành chính, nên có lời nhận xét: “KSV tham gia xét xử vụ án không có một lời phản biện ý kiến tranh luận trái pháp luật của những người tham gia tố tụng. Lẽ nào, KSV là người của cơ quan bảo vệ pháp luật thấy sai không dám nói, thấy quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự bị xâm hại không dám bảo vệ?”. Thực tế nêu trên cho thấy, nên sửa đổi, bổ sung Điều 160 Luật TTHC theo hướng: “Khi KSV tham gia phiên tòa hành chính sơ thẩm, phát biểu ý kiến toàn diện về việc giải quyết vụ án, nhằm giúp cho Hội đồng xét xử ra bản án có căn cứ, đúng pháp luật”. Như vậy VKSND, KSV mới có điều kiện thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Thái Nguyên Toàn |
NHỮNG QUY ĐỊNH HẠN CHẾ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA KSV TẠI PHIÊN TOÀ HÀNH CHÍNH SƠ THẨM
Đăng ngày 06-11-2012 17:44
Xem với cỡ chữ
Điều 130 Luật Tố tụng hành chính năm 2010 (TTHC) quy định vai trò của Kiểm sát viên (KSV) khi tiến hành tố tụng tại phiên tòa hành chính sơ thẩm là cần thiết, nếu KSV vắng mặt mà không có KSV dự khuyết thay thế thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa. Tuy nhiên, Điều 160 Luật TTHC lại quy định: “Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, KSV phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử…”. Vậy, VKS sẽ áp dụng quy định nào trong quá trình thực hiện chức năng của mình?
.