1. Điều 159 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của BLTTDS quy định về “Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu” đã sửa đổi, bổ sung rất nhiều so với Điều 159 BLTTDS năm 2004. Tuy nhiên nhiều vấn đề quy định còn mang tính chung chung, mới mẻ, nhất là quy định tại điểm a khoản 3 của điều luật này: “Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện”,nên rất khó cho việc nhận thức rõ ràng, thống nhất và thực tiễn áp dụng thì trong nhiều vụ việc cụ thể còn nhiều quan điểm đánh giá khác nhau. Chẳn hạn tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa cá nhân với cá nhân, hợp đồng phát sinh từ tháng 15. 4. 2008, đến hạn thanh toán là 15. 4. 2011, nhưng đến ngày 15. 4. 2013 nguyên đơn không khởi kiện thì sau đó có còn thời hiệu khởi kiện không, nhận thức về vấn đề này hiện vẫn còn tồn tại 2 quan điểm khác nhau, quan điểm thứ nhất cho rằng cần phải áp dụng điểm b, khoản 3 Điều 159 quy định: "thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm" để xác định nguyên đơn không còn quyền khởi kiện, ngược lại quan điểm thứ hai cho rằng trường hợp này không áp dụng thời hiệu vì đây là "tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu"theo quy định tại điểm a, khoản 3 của Điều 159. Đây là vấn đề rất quan trọng trong việc áp dụng pháp luật và ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích của đương sự, vì vậy cần được sớm hướng dẫn cụ thể quy định này.
2. Khái niệm “Tài sản công” theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 01. 8. 2012 của VKSNDTC và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự quy định:
"Tài sản công là tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước tại các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, được hình thành từ nguồn do ngân sách nhà nước cấp hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước". Theo hướng dẫn này thì không có tài sản do Nhà nước đầu tư vào các tổ chức kinh tế. Phạm vi tài sản công quy định như vậy là quá hẹp không phù hợp với Điều 200 BLDS quy định: "Tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước bao gồm đất đai, rừng tự nhiên, rừng trồng có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi tự nhiên ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp...." và cũng không thống nhất với hướng dẫn trước đây của Vụ 5 VKSNDTC tại Công văn số 4163/VKSTC-V5 ngày 28. 12. 2011 về việc hướng dẫn tạm thời thi hành một số quy định của BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011: "Đối tượng tranh chấp là tài sản công, được hiểu là tài sản thuộc hình thức sở hữu Nhà nước theo quy định tại điều 200 Bộ luật dân sự năm 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan". Vì vậy đề nghị sửa đổi hướng dẫn này để mở rộng phạm vi tham gia của Viện kiểm sát trong việc kiểm sát giải quyết nhằm bảo vệ tốt hơn tài sản công.
3. Quy định mới về việc nguyên đơn rút đơn khởi kiện, Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án và hòan lại tiền tạm ứng án phí cho đương sự (khoản 3 Điều 193 BLTTDS sửa đổi, bổ sung): Thấy chưa hợp lý, vì sẽ tạo khẻ hở cho đương sự khởi kiện nhiều hơn, một số trường hợp đương sự về bản chất không muốn ra hầu tòa... nhưng nhằm động cơ mục đích riêng: để hù, dọa dẫm bên kia, đương sự sẳn sàng khởi kiện, nhưng khi đạt được động cơ cá nhân thì đương sự lại rút đơn khởi kiện và Tòa án lại phải hoàn tiền tạm ứng án phí cho họ, họ không tốn đồng nào mà lại đạt được động cơ cá nhân của mình. Còn về phía cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là Tòa án lại tốn công sức nghiên cứu đơn kiện, thụ lý lập hồ sơ, tài liệu, phân công Thẩm phán ... Trước đây BLTTDS năm 2004 thì số tiền này sẽ được sung vào công quỹ Nhà nước (khoản 2 Điều 193). Nay Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của BLTTDS năm 2004 quy định ngược lại như vậy là không hợp lý. Đáng lẽ ít nhất họ phải chịu 50% số tiền tạm ứng án phí để sung công quỹ.
4. Chưa có quy định cụ thể trường hợp người kháng cáo vắng mặt lần thứ hai tại phiên tòa phúc thẩm thì giải quyết như thế nào (Điều 266 BLTTDS sửa đổi, bổ sung) chỉ quy định vận dụng giải quyết đình chỉ theo điểm a, khoản 2 theo Điều 199 BLTTDS sửa đổi, bổ sung, nhưng Điều 199 này chỉ quy định trường hợp đình chỉ đối với nguyên đơn, trong khi đó người kháng cáo có thể là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền và nghĩa vụ liên quan). Nên cần có quy định cụ thể hơn về trường hợp này.
5. Chương XXIV quy định về "Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người là đã chết".Nhưng trong số nội dung chương này lại có quy định về việc Quyết định tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu (Điều 339a), Chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu (Điều 339b) và Đơn yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu (Điều 339c). Các Điều luật này có nội dung hầu như không liên quan gì đến việc yêu cầu tuyên bố một người đã chết, nên việc quy định vào chương này là không logic. Vì vậy đề nghị tách ra thành một chương riêng chương: "Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu".
Quang cảnh 1 phiên tòa Dân sự
6. Đối với những kiến nghị do Viện kiểm sát ban hành để yêu cầu khắc phục vi phạm của Tòa án, chưa có chế tài ràng buộc cụ thể trách nhiệm của Tòa án, nên nhiều trường hợp Tòa án không trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát khiến cho chất lượng kiến nghị chưa được thực hiện nghiêm.
7. Đối với những trường hợp phát hiện sai phạm vụ án bắt buộc phải có Viện kiểm sát tham gia, nhưng Tòa án không thông báo Viện kiểm sát tham gia, nếu sau đó Tòa án giải quyết đúng về nội dung, thì có kháng nghị yêu cầu hủy án do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được không. Vấn đề này cũng còn có nhiều cách nhận thức khác nhau, cần được hướng dẫn thống nhất.
8. Phát biểu của KSV tại phiên tòa sơ thẩm chỉ phát biểu về phần tố tụng trong nhiều trường hợp dễ gây nhàm chán, chưa đáp ứng được yêu cầu, sự mong mỏi, quan tâm của nhân dân, nhất là các đương sự (như là phát biểu về nội dung, lẫn hình thức tại phiên tòa hình sự), nên hình ảnh, vai trò, vị trí của VKS tại các phiên tòa này chưa được nâng cao đúng tầm.
Ngoài những nội dung được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của BLTTDS năm 2004, một số quy định của BLTTDS năm 2004 cũng có một số tồn tại và cần được kiến nghị sửa đổi, bổ sung như sau:
1. Khoản 1 Điều 181 BLTTDS quy định “yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước” không được hòa giải, thực tiễn giải quyết các vụ án Tranh chấp hợp đồng vay tài sản liên quan đến ngân hàng hoặc các Doanh nghiệp khác có phần vốn góp của Nhà nước cũng phát sinh nhiều quan điểm khác nhau, quan điểm cho rằng bất kể là vốn Nhà nước có tỷ lệ vốn góp bao nhiêu thì cũng không được hòa giải. Quan điểm khác lại cho rằng các Tranh chấp hợp đồng vay tài sản thì không thuộc trường hợp “yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước” và cũng không đề cập đến trường hợp vấn đề vốn góp của Nhà nước trong trường hợp này và vẫn cứ tiến hành hòa giải theo thủ tục tố tụng chung.Vì vậy cần được hướng dẫn cụ thể quy định này.
2. Khoản 2 Điều 188 BLTTDS quy định: “Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe doạ hoặc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội”, quy định như vậy chưa đầy đủ, cần bổ sung thủ tục có thể kháng nghị theo thủ tục kháng nghị tái thẩm.
Trên đây là những nhận xét, đánh giá của cá nhân người viết nhân đợt sơ kết 01 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của BLTTDS. Rất mong các đồng nghiệp và độc giả tham gia đóng góp ý kiến thêm .
Đà Nẵng, ngày 15 tháng 4 năm 2013
Người viết
Thái Văn Đoàn
Phòng 12 VKSND thành phố Đà Nẵng