1. Lịch sử hình thành:
Chiến thắng vĩ đại mùa xuân năm 1975 đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên độc lập dân tộc thống nhất Tổ quốc và toàn vẹn lãnh thổ, mở đầu thời kỳ cả nước đi lên chủ ngiã xã hội. Để thiết lập chính quyền chuyên chính vô sản, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các vùng mới giải phóng.
Thi hành chủ trương của Trung ương và Khu uỷ Khu V về việc nhập tỉnh để đáp ứng yêu cầu xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá, củng cố quốc phòng, xây dựng đất nước; căn cứ Quyết định số 119/QĐ ngày 04 tháng 10 năm 1975 của Uỷ ban nhân dân cách mạng Khu Trung Trung bộ về việc sáp nhập tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Đà, giải thể Uỷ ban nhân dân cách mạng hai tỉnh và thành lập Uỷ ban nhân dân cách mạng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Trên cơ sở đó, ngày 10 tháng 10 năm 1975 Uỷ ban nhân dân cách mạng Khu Trung Trung bộ ra Quyết định số 133/QĐ về việc sáp nhập các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Đà thành Viện kiểm sát tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; đồng thời bổ nhiệm đồng chí Hoàng Thị Kim Thành giữ chức vụ Viện trưởng, đồng chí Phan Chất nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát Nam Hà giữ chức vụ Phó Viện trưởng.
Chiếu theo điều 10, 17 và điều 20 Sắc lệnh số 01 - SL/76 ngày 15 tháng 3 năm 1976 của Hội đồng Chính phủ cách mạng lâm thời quy định tổ chức Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân các cấp; để đảm bảo pháp chế được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất ở các tỉnh Miền Nam sau giải phóng, ngày 23 tháng 4 năm 1976 Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Nghị định số 09 - BTP/NĐ về việc thành lập các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, sau này được chia tách thành: tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
Thẩm quyền và nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh được quy định trong Sắc lệnh số 01 - SL/76 ngày 15 tháng 3 năm 1976 của Hội đồng Chính phủ cách mạng lâm thời. Nói về hệ thống kiểm sát, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phía Nam, đồng chí Nguyễn Văn Đức, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao viết:
“ ... tháng 6 năm 1976, Quốc hội quyết định thống nhất về mặt nhà nước và từ đấy các Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phía Nam được tổ chức và hoạt động thống nhất theo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân chung cho cả nước.
Lúc này, các Viện kiểm sát nhân dân địa phương từng bước thực hiện chức năng kiểm sát, trước tiên vẫn tập trung làm công tác kiểm sát hình sự: Kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, giữ quyền công tố trước phiên toà xét xử các vụ án hình sự. Còn về chức năng giám sát thi hành pháp luật qua phương thức kiểm sát chung cũng được thực hiện từng bước, phát hiện những vi phạm pháp luật trong một số cơ quan quản lý kinh tế, kiến nghị khắc phục sửa chữa.
Trong thời kỳ này, hệ thống kiểm sát cũng được hình thành đến cấp huyện, kể cả những huyện xa, các huyện miền núi...” (Trích trong Tạp chí kiểm sát kỷ niệm 35 năm thành lập ngành).
Căn cứ Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân được công bố ngày 26 tháng 7 năm 1960, chức năng cơ bản của ngành là: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố, đảm bảo cho pháp luật được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế dân chủ nhân dân được giữ vững.
Điều 3, Luật ghi rõ: Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân địa phương các cấp thi hành nhiệm vụ trên bằng cách:
a) Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các nghị quyết, quyết định, thông tư, chỉ thị và biện pháp của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ và cơ quan Nhà nước địa phương; kiểm sát việc tuân theo pháp luật của nhân viên cơ quan Nhà nước và của công dân.
b) Điều tra những việc phạm pháp về hình sự và truy tố trước Toà án nhân dân những người phạm pháp về hình sự.
c) Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra của cơ quan Công an và của cơ quan điều tra khác;
d) Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử của các Toà án nhân dân và trong việc chấp hành các bản án;
e) Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giam giữ của các trại giam;
g) Khởi tố, hoặc tham gia tố tụng trong những vụ án dân sự quan trọng liên quan đến lợi ích của Nhà nước và của nhân dân.
Từ khi sáp nhập hai Viện kiểm sát (năm 1975) và thành lập mới (năm 1976), trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân theo luật định và hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã tiếp tục hoạt động cho đến hết năm 1996.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khoá IX ngày 06 tháng 11 năm 1996 về việc chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, ngày 28 tháng 12 năm 1996 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 15/QĐ-TC về việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 01 năm 1997.
2. Về tổ chức bộ máy:
2.1. Giai đoạn từ 1975 đến 1996 (Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng nam – Đà Nẵng):
Tổ chức bộ máy các phòng chuyên môn trực thuộc tỉnh:
Từ năm 1975 đến năm 1977 không tìm thấy văn bản nào xác định Viện kiểm sát tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng có bao nhiều phòng và gồm những phòng nào. Nhưng qua nghiên cứu, tổng hợp thông tin từ “Kỷ yếu” của Viện kiểm sát nhân dân hai tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng ban hành năm 2004 và một số tài liệu khác, có thể xác định như sau:
- Năm 1975, gồm có: Văn phòng, Bộ phận kiểm sát điều tra án kinh tế, xét xử.
- Năm 1976, gồm có : Phòng Kiểm sát chung; Phòng Kiểm sát điều tra án kinh tế; Phòng Kiểm sát điều tra án trị an - an ninh; Phòng Kiểm sát xét xử hình sự; Phòng đơn khiếu tố.
- Năm 1977, có thêm các phòng: Tổ chức cán bộ, Kiểm sát giam giữ cải tạo, Thi hành án.
Như vậy, đến năm 1977, bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng gồm các phòng chuyên môn, nghiệp vụ sau:
(1). Văn phòng;
(2). Phòng Kiểm sát chung;
(3). Phòng Kiểm sát điều tra án kinh tế;
(4). Phòng Kiểm sát điều tra án trị an - an ninh;
(5). Phòng Kiểm sát xét xử hình sự;
(6). Phòng đơn khiếu tố;
(7). Tổ chức cán bộ;
(8). Kiểm sát giam giữ cải tạo, thi hành án.
Từ 1978 đến 1992, bộ máy hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, qua nghiên cứu tài liệu lưu trữ không thấy có sự thay đổi nào khác với năm 1977.
Từ năm 1993 đến năm 1996, bộ máy làm việc có một số thay đổi:
Quyết định số 06/TCCB ngày 30 tháng 01 năm 1993 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc chuyển bộ phận cơ yếu thuộc Văn phòng giao cho phòng Tổ chức cán bộ quản lý.
Theo Thông báo số 192/TCCB ngày 02 tháng 3 năm 1994 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng về biên chế năm 1994, các phòng chuyên môn trực thuộc gồm 10 phòng:
(1) . Văn phòng;
(2) . Phòng Kiểm sát tuân theo pháp luật;
(3) . Dân sự;
(4) . Khiếu tố;
(5) . Điều tra án kinh tế;
(6) . Điều tra an ninh - trị an;
(7) . Kiểm sát phúc thẩm - Thi hành án;
(8) . Kiểm sát giam giữ cải tạo;
(9) . Điều tra;
(10). Tổ chức cán bộ.
Căn cứ Quyết định số 48/TC-V9 ngày 09 tháng 6 năm 1994 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thành lập phòng Kiểm sát thi hành án thuộc Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngày 23 tháng 6 năm 1994 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng ban hành Quyết định số 234/QĐ-TC về việc thành lập phòng Kiểm sát thi hành án.
Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện thuộc tỉnh: Theo các Quyết định số 01 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng ban hành vào ngày 01 tháng 01 năm 1976 và các Quyết định số 01 ban hành ngày 01 tháng 01 năm 1977, trên địa bàn tỉnh có 10 Viện kiểm sát nhân dân huyện, thành phố như sau: Đà Nẵng, Tam Kỳ, Hoà Vang, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Hiên, Giằng, Trà My.
Quyết định số 197/QĐ.TCCB ngày 14 tháng 4 năm 1978 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc sáp nhập Viện kiểm sát nhân dân các quận 1, 2, 3 ở Đà Nẵng thành Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng trực thuộc tỉnh. Trước đó, không tìm thấy văn bản xác nhận việc hình thành và quá trình hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân các quận 1, 2, 3 ở Đà Nẵng.
Theo Thông báo số 192/TCCB ngày 02 tháng 3 năm 1994 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng về biên chế năm 1994 có 16 huyện, thành phố, thị xã trực thuộc: Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Hoà Vang, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Quế Sơn, Núi Thành, Tiên Phước, Hiệp Đức, Hiên, Giằng, Trà My, Phước Sơn.
2.2. Giai đoạn từ 1997 đến nay (Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng):
Theo Quyết định số 15/QĐ-TC ngày 28 tháng 12 năm 1996 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng, bộ máy làm việc gồm:
Các phòng chuyên môn nghiệp vụ, có 07 phòng:
(1). Văn phòng tổng hợp;
(2). Phòng Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội;
(3). Phòng Kiểm sát xét xử án dân sự, kinh tế, lao động;
(4). Phòng Kiểm sát điều tra án trị an, an ninh;
(5). Phòng kiểm sát điều tra án kinh tế
(6). Phòng Kiểm sát xét xử án hình sự
(7). Phòng Kiểm sát giam giữ, cải tạo và Kiểm sát thi hành án.
Viện kiểm sát nhân dân các quận, huyện, có 06 đơn vị:
(1). Viện kiểm sát nhân dân quận Hải Châu
(2). Viện kiểm sát nhân dân quận Thanh Khê
(3). Viện kiểm sát nhân dân quận Sơn Trà
(4). Viện kiểm sát nhân dân quận Ngũ Hành Sơn
(5). Viện kiểm sát nhân dân quận Liên Chiểu
(6). Viện kiểm sát nhân dân huyện Hoà Vang
Theo Tờ trình số 03/VP ngày 18 tháng 02 năm 1998 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc phân bổ chỉ tiêu biên chế năm 1998, các phòng chuyên môn thuộc Viện gồm 07 phòng, trong đó có một số phòng ghép:
(1). Văn phòng tổng hợp và tổ chức cán bộ;
(2). Phòng Kiểm sát việc tuân theo pháp luật, đơn khiếu tố và kiểm sát xét xử án hành chính;
(3). Phòng Kiểm sát xét xử án dân sự, kinh tế, lao động;
(4). Phòng Kiểm sát điều tra án trị an, an ninh;
(5). Phòng kiểm sát điều tra án kinh tế
(6). Phòng Kiểm sát xét xử án hình sự
(7). Phòng Kiểm sát giam giữ, cải tạo và kiểm sát thi hành án.
Theo Quyết định 0 số ngày 30 tháng 7 năm 1999 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc chuyển công tác kiểm sát xét xử các vụ án hành chính từ phòng Kiểm sát tuân theo pháp luật sang phòng Kiểm sát xét xử án dân sự, kinh tế, lao động, phá sản doanh nghiệp.
Quyết định số 29/QĐ-TC ngày 05 tháng 02 năm 2002 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thành lập phòng Tổ chức cán bộ thuộc Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng trên cơ sở tách bộ phận tổ chức cán bộ của Văn phòng tổng hợp.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân theo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002; đồng thời, để tinh giản bộ máy, vừa nâng cao chất lượng kiểm sát, đảm bảo thời gian tiến độ giải quyết án, vừa cụ thể hoá trách nhiệm cá nhân kiểm sát viên trong suốt hoạt động kiểm sát từ khâu khởi tố đến khâu kiểm sát xét xử, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có Quyết định số 120/2003/QĐ-VTC(V9) ngày 09 tháng 4 năm 2003 về cơ cấu bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ngày 14 tháng 5 năm 2003 Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra Quyết định số 19/2003/QĐ-VTC (V9) về việc thành lập và đổi tên một số phòng chuyên môn thuộc Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng. Cụ thể như sau:
(1). Thành lập phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự trên cơ sở sáp nhập phòng kiểm sát điều tra án trị an – an ninh và phòng kiểm sát điều tra án kinh tế.
(2). Thành lập phòng Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù trên cơ sở chia tách phòng Kiểm sát giam giữ - cải tạo và kiểm sát thi hành án.
(3). Thành lập Văn phòng tổng hợp và thống kê tội phạm trên cơ sở Văn phòng tổng hợp.
(4). Đổi tên phòng Kiểm sát xét xử hình sự thành phòng Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm án hình sự.
(5). Đổi tên phòng Kiểm sát xét xử dân sự, kinh tế, lao động và phá sản doanh nghiệp thành phòng Kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật.
Vào đầu năm 2003, phòng Tổ chức cán bộ đảm nhận thêm công tácgiải quyết đơn khiếu tố (theo Báo cáo 6 tháng đầu năm 2003).
Ngày 14 tháng 7 năm 2005, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra Quyết định số 35/2005/QĐ-VKSTC về việc chia tách phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự thành hai phòng: Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về kinh tế và chức vụ và phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội, án an ninh và ma túy.
Trên cơ sở phân vạch địa giới hành chính của địa phương, theo Quyết định số 72/2005/QĐ-TCCB ngày 23 tháng 9 năm 2005 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thành lập Viện kiểm sát nhân dân quận Cẩm Lệ thành phố Đà Nẵng trên cơ sở tách Viện kiểm sát nhân dân huyện Hoà Vang và bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 10 năm 2005.
Xuất phát từ yêu cầu và tính chất công tác, năm 2006 và năm 2011, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành các Quyết định:
Quyết định số 09/QĐ-VKSTC-V9 ngày 10 tháng 5 năm 2006 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thành lập phòng Thống kê tội phạm thuộc Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng trên cơ sở chia tách nhiệm vụ Thống kê tội phạm từ Văn phòng tổng hợp.
Quyết định số 24/QĐ-VKSTC-V9 ngày 28 tháng 11 năm 2006 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc chia tách phòng Tổ chức cán bộ và khiếu tố thành hai phòng: phòng Tổ chức cán bộ và phòng Khiếu tố.
Căn cứ Quyết định số 12/QĐ-VKSTC ngày 15 tháng 6 năm 2011 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc chia tách phòng nghiệp vụ, Viện kiểm sát nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 227 và Quyết định số 228/QĐ-VKS ngày 01 tháng 12 năm 2011 về việc thành lập phòng Kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự và phòng Kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật trên cơ sở tách phòng Kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, đến tháng 12 năm 2011, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng có 11 phòng chuyên môn như sau:
(1). Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về kinh tế và chức vụ (gọi tắt là phòng 1).
(2). Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội, án an ninh và ma túy (gọi tắt là phòng 2).
(3). Phòng Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm án hình sự (gọi tắt là phòng 3).
(4). Phòng Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù (gọi tắt là phòng 4).
(5). Phòng Kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự (gọi tắt là phòng 5).
(6) . Phòng Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (gọi tắt là phòng 12).
(7) . Phòng Kiểm sát thi hành án (gọi tắt là phòng 10)
(8) . Phòng Thống kê tội phạm
(9) . Phòng Khiếu tố (gọi tắt là phòng 7)
(10). Phòng Tổ chức cán bộ (gọi tắt là phòng 9)
(11). Văn phòng tổng hợp
Và 07 Viện kiểm sát nhân dân quận, huyện:
(1). Viện kiểm sát nhân dân quận Hải Châu
(2). Viện kiểm sát nhân dân quận Thanh Khê
(3). Viện kiểm sát nhân dân quận Sơn Trà
(4). Viện kiểm sát nhân dân quận Ngũ hành Sơn
(5). Viện kiểm sát nhân dân quận Liên Chiểu
(6). Viện kiểm sát nhân dân quận Cẩm Lệ
(7). Viện kiểm sát nhân dân huyện Hoà Vang
Với cơ cấu tổ chức bộ máy như trên, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng đã duy trì hoạt động cho đến nay.
Trong quá trình hình thành và phát triển,tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng đã không ngừng được củng cố và hoàn thiện theo hướng đổi mới. Với bộ máy hoạt động được tổ chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của ngành, góp phần tích cực trong việc giữ gìn trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa và thực hiện có hiệu quả đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước.
Trên đây là những thông tin về sự hình thành và tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng qua các thời kỳ mà tôi đã ghi lại được thông qua tài liệu lưu trữ của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng và Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng từ năm 1975 đến nay.
Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các đồng chí lãnh đạo và cán bộ, công chức của ngành kiểm sát nhân dân thành phố để những thông tin trên được hoàn chỉnh hơn.
Xin cám ơn./.