menu_WAR_vienkiemsatportlet_INSTANCE_hKWBd2nFDgz3
Kỷ niệm ngày thành lập Hội chữ thập đỏ Việt Nam
Đăng ngày 23-11-2022 02:56

Ngày 23 tháng 11 hàng năm Hội chữ thập đỏ trên cả nước tổ chức kỷ niện ngày thành lập Hội. Đây là dịp để mỗi cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ vinh dự, tự hào ôn lại bề dày truyền thống 76 năm của Hội, đồng thời là cơ hội để mỗi người làm công tác nhân đạo thể hiện vai trò, trách nhiệm trong việc kế thừa và phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc, thực hiện sứ mệnh nhân đạo cao cả, thiêng liêng.

Cách mạng tháng 8/1945 thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ và đứng trước tình thế hiểm nghèo. Đế quốc, thực dân lại rắp tâm gây chiến hòng bắt dân ta trở lại cuộc đời nô lệ. Chính trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng ấy, một số nhân sĩ, trí thức yêu nước đứng ra vận động và xin phép thành lập Ban Hồng Thập tự Việt Nam (tổ chức tiền thân của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày nay).
Bác chỉ dẫn phương hướng hoạt động của Hồng thập tự nước ta và khuyên: “Phải xuất phát từ tình thương yêu nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”.
Ngày 23/11/1946, tại Đại hội đại biểu Hồng thập tự Việt Nam lần thứ nhất diễn ra tại Đình làng Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội), Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức được thành lập. Đại hội suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự của Hội và Người là Chủ tịch danh dự của Hội trong suốt 23 năm từ ngày thành lập Hội tới khi Người qua đời. Bác sĩ Vũ Đình Tụng được bầu làm Hội trưởng.
Kể từ đó, ngày 23/11/1946 đã đi vào lịch sử của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam như một mốc son đánh dấu sự ra đời của một tổ chức xã hội nhân đạo quần chúng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và làm Chủ tịch danh dự đầu tiên. Đây là niềm vinh dự lớn lao đối với cán bộ, hội viên, thanh, thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ Việt Nam mà không phải tổ chức nào cũng có được.
Ngay sau khi thành lập, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, hầu hết các hội viên Hồng thập tự đã tích cực tham gia phục vụ tại các mặt trận, tổ chức các trạm cấp cứu, bệnh viện dã chiến, bệnh viện hậu phương. Ngày 5/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Công hàm tới Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ tuyên bố gia nhập 4 Công ước Giơ-ne-vơ về việc bảo hộ nạn nhân chiến tranh. Ngày 4/11/1957, tại cuộc họp của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế họp ở Niu-đê-li (Ấn Độ), Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên của Phong trào.
Ngày 15/12/1965 Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ III diễn ra. Tại Đại hội này, Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức đổi tên thành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Trong 2 ngày 10-11/12/1971 Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ IV đã được tổ chức. Tại Đại hội này đã khẳng định vai trò của tổ chức Hội trong các hoạt động trợ giúp nhân đạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tham gia cấp cứu thương binh, nạn nhân chiến tranh, vệ sinh phòng bệnh, hoạt động hợp tác quốc tế. Ghi nhận cống hiến của Hội, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Huân chương Lao động hạng nhì. 

 Ngày 31/7/1976, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị hợp nhất Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Hồng thập tự cộng hòa miền Nam Việt Nam thành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Ngày 07/9/1987, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW về “Củng cố tổ chức, phát huy tác dụng tích cực của Hội Chữ thâp đỏ Việt Nam”, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội và mở ra thời kỳ phát triển mới của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Ngày 8/6/2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Chỉ thị 43 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”. Chỉ thị nhấn mạnh “Công tác nhân đạo là bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng, là nhiệm vụ của mỗi cấp ủy Đảng, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị, góp phần giáp dục, đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong thực hiện các chính sách xã hội của Đảng”.
Tháng 01/2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng cử Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là Chủ tịch danh dự của Hội.

Trong thời kỳ đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc cũng như trong thời kỳ xây dựng đất nước - Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã góp phần vẻ vang vào trang sử của dân tộc. Thời gian qua, từ thưc tế cũng như qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta được biết khi mà Việt Nam và thế giới tiếp tục phải đối mặt với đại dịch COVID-19 diễn biến nhanh, phức tạp, khó kiểm soát ảnh hưởng trực tiếp đến những gia đình nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn, thất nghiệp, thiếu việc làm. Trong cuộc chiến khốc liệt và đầy cam go với những nỗ lực và quyết tâm ngăn chặn, với tinh thần Chữ thập đỏ “Vì mọi người, ở mọi nơi”, bằng tấm lòng nhân ái, sự hy sinh thầm lặng, sự sẻ chia sâu sắc, những tình nguyện viên Chữ thập đỏ đã tham gia vận chuyển, hỗ trợ hàng hóa, trang thiết bị y tế cho các lực lượng tuyến đầu và người dân ở khu cách ly, phong tỏa; tổ chức các Phiên chợ nhân đạo, gửi những món quà ấm lòng mùa dịch; tham gia các bếp ăn tình thương chăm lo bữa ăn cho các lực lượng trực chốt; tham gia hỗ trợ lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, tiêm vắc xin. Tình cảm cao cả được lan tỏa ở mọi lúc, mọi nơi, xuất hiện ngày càng nhiều tình nguyện viên xả thân vì cộng đồng. Những nghĩa cử cao đẹp cứ nở rộ trong mùa dịch, không chỉ trong nước mà cả thế giới vô cùng ngưỡng mộ những hình ảnh cao đẹp trong phòng chống dịch của người Việt Nam.

Từ khi ra đời đến nay hoạt động của Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã đem lại nhiều ý nghĩa vô cùng to lớn cho đất nước, cho dân tộc, cho từng con người Việt Nam. Nhân kỷ niệm 76 năm thành lập Hội chữ thập đỏ Việt Nam người viết bài viết này xin được kính chúc những hội viên Hội chữ thập đỏ, những tình nguyện viên luôn bền vững đôi chân để tiếp tục hành trình nhân ái, đem tình yêu thương đến mọi người nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời còn bất hạnh…, những đôi chân ấy dù có thể vất vả gian truân nhưng giàu tình nghĩa, được mọi người trân quí, yêu thương ./. 

Quang Nớp